Monday, September 26, 2011

Rác và người

Rác trong đô thị nào cũng là một vấn đề lớn, một vài ngày rác không được dọn sạch là một ngày đại họa vì rác sẽ lấn người. Người ta coi thường rác là thứ bỏ đi và mắng người khác một cách khinh miệt là “đồ rác rưởi.” Trước khi người Mỹ hiện diện tại miền Nam, rác được người ta xem thường là thứ phế thải, không có thứ gì quý giá để nhặt nhạnh ngoài chuột chết, băng vệ sinh và những thứ được loại ra từ cuộc sống hàng ngày của con người. Người Mỹ đến Việt Nam đã cho người dân nghèo đói lạc hậu xứ này biết quý rác. Không phải những căn cứ Mỹ phải trả tiền cho người phục vụ đổ rác, mà dần dà những người này phải “đấu thầu” rác, trả tiền cho những nhân vật môi giới để có thể độc quyền hốt loại rác này.
Người ta nói rác là vàng không phải là lời nói quá đáng, vì trong rác Mỹ có TV, máy phát thanh, đồng hồ, điện thoại, áo quần, giày dép và hàng ngàn thứ linh tinh nhưng chắc chắn có thể bán được tiền, kể cả những thứ lớn cồng kềnh như tủ lạnh, máy điều hòa không khí. Theo những người thầu và phân loại rác, có khi trong rác còn có súng, lựu đạn và... tay chân người nữa, nhưng cũng không sao! Những nhà thầu rác ngày ấy là những nhà triệu phú và có thế lực. Có thế lực mới thầu được rác Mỹ và khi có tiền rồi thì người ta trở thành có thế lực. Dù có đau xót thì cũng phải công nhận rằng những gì dính dáng đến Mỹ thời đó đều có tiền, từ anh chị đi làm sở Mỹ, me Mỹ, bán bar cho Mỹ, công nhân hãng thầu Mỹ cho đến những nghề dịch vụ như hớt tóc, giặt ủi... cho người Mỹ, và cái lạ lùng ngày ấy là... rác Mỹ cũng hái ra tiền.
Năm Mậu Thân, tại Sài Gòn khi tiếng súng tổng tấn công đợt I của Cộng Sản vừa dứt, chính là lúc dân chúng rất có cảm tình với quân đội. Buổi sáng hôm ấy tôi đang đi công tác với một vài anh em trong đơn vị trên chiếc xe Jeep, chạy sau xe chúng tôi là một chiếc xe vận tải do một người Việt lái, đang ra dấu cho xe chúng tôi dừng lại. Ðây là một chiếc xe mui trần chất đầy các vỉ trứng gà như chúng ta thường thấy trong các siêu thị trên đất Mỹ ngày nay. Xe trứng này từ một căn cứ quân đội Hoa Kỳ trên đường đem đi đổ vì quá hạn. Các anh ấy muốn chúng tôi lấy một ít trứng trên chiếc xe này, vì dù có muốn, các công nhân này cũng không thể đem xe trứng đi bán công khai. Kể lại chuyện này, để các bạn thấy xe trứng này là một xe... rác Mỹ, vì trứng đã quá hạn đóng dấu trên hộp. Món trứng gà đối với người Việt ở quê hương, cho đến bây giờ vẫn là một món ăn cao cấp. Ở quê nhà, chúng ta không bao giờ nghĩ đến sự quá hạn của một quả trứng, một bình sữa, cho mãi đến lúc may mắn chúng ta sang được đây, rồi chúng ta cũng phải vứt bỏ vào thùng rác những thực phẩm còn tươi tốt, nếu có dùng cũng chẳng sao, những món đồ không vừa ý, lỗi thời, hay có hư hao chút đỉnh mà tiền sửa cũng nặng gần bằng tiền mua loại mới. Nhiều khi cũng nghĩ bà con ở quê nhà thiếu thốn, nhưng chẳng biết làm sao hơn!
Rất nhiều người thích đi chợ trời để sưu tầm những thứ vặt vãnh về bày đầy ra nhà, rồi cuối cùng cũng phải đem đi vứt bỏ. Những người khác mua ở đây những thứ đồ dùng rẻ, giá cả không bằng 1/10 hàng mới. Một cái điện thoại $5 vẫn còn dùng ngon lành, một cái bình hoa cũ rất mỹ thuật giá $2, một cái áo ấm hay một cái “car seat” còn tươm tất chỉ $10, một bộ nệm giường khá tốt, sạch sẽ chỉ có $30, đôi khi là một cái kệ sách, một “coffee table” giá $5 hoặc $10, rất tiện dụng. Tất cả những vật dụng kể trên đây đều là “rác Mỹ.” Cũ người, mới ta, có sao đâu! Rác Mỹ ở đây không cần đi thầu, nếu trong giai đoạn đầu định cư, cần cù, siêng năng biết khai thác “rác Mỹ” trên đất Mỹ, tuy không làm giàu, nhưng ít ra cũng đủ sống sung túc.
Cứ vài buổi sáng một lần, rất sớm trước giờ xe lấy rác hoạt động, trong khu nhà tôi ở đã có những người Mỹ da vàng, với một cái xe pickup truck đến tìm những thứ còn dùng được để bán lại cho chợ trời hay chính họ có những gian hàng “tạp lục” tại đây. Thì cũng những cái điện thoại, cái đồng hồ để bàn, một hai cái ghế bọc nệm, chiếc TV hay máy điện toán đời cũ, giày dép áo quần mà gia chủ đã có nhã ý bỏ riêng ra cho sạch sẽ. Ở trước những căn nhà loại sang trong thành phố thiếu gì những bộ nệm loại đắt tiền, cái bàn ăn, một bộ máy điện toán để trên bãi cỏ trước nhà với tấm bảng “free,” và họ cũng chỉ mong sao có người đưa đi cho đỡ tốn công thu dọn.
Trừ những người có diễm phúc, sung sướng ngay kể từ khi đặt chân đến xứ này, còn thì những người khác đến định cư, trong giai đoạn chưa ổn định thì ai cũng phải dùng “rác Mỹ,” đó là nệm giường, bộ sofa, bộ bàn ăn và chiếc TV, đôi khi cả áo quần, cả cái xe chạy đi kiếm cơm, tất cả đều là những thứ đã dùng rồi. Trong những ngày đầu chân ướt chân ráo đến Mỹ, từ tù tội, thiếu thốn hay trải qua những ngày sóng gió trên đại dương và tù túng trong trại cấm, chúng ta phải cảm ơn rác Mỹ, ít ra cũng cho chúng ta những phương tiện căn bản những ngày đầu. Nhiều thứ rác Mỹ được sống qua với vài đợt gia đình, có khi còn ở lại với chúng ta cho đến hôm nay.
Trước kia, thì những thứ dư dùng, cũ kỹ này còn để dành cho gia đình những người đồng hương mới đến hay cho nhà thờ, 20 năm sau ai cũng khá lên rồi, bộ nệm cũ, cái TV, bộ bàn ăn... bây giờ không biết cho ai, lại phải khiêng ra khu thùng rác để cho những người bây giờ, ngay trên nước Mỹ, khốn khó hơn mình, còn cần dùng đến. Ðôi khi chính tôi cũng đứng tần ngần trước thùng rác khi nhìn thấy những con thú nhồi bông, những con búp bê gãy tay hay chiếc đầu máy xe lửa nho nhỏ đã bong sơn, quả là những món đồ chơi quý giá mà một đứa trẻ nhà nghèo nào của đất nước mình cũng mơ ước.
Trong các quốc gia nghèo, chậm tiến, ở đâu chúng ta cũng nhận ra những đống rác khổng lồ, ruồi nhặng, bốc mùi hôi hám, nhưng ở đó lại là nguồn sống của hàng trăm người đói khổ, một cách nói Việt Nam, đó là những chén cơm mà họ kiếm được hằng ngày. Rất nhiều gia đình sống, ăn và ngủ cùng rác từ đứa trẻ nhỏ cho đến bà cụ già trong những mái lều làm bằng những vật dụng từ rác, đó là những miếng bìa, những tấm gỗ, những mảnh ni lông. Ðó cũng là nơi sinh hoạt của những trẻ em đói khổ sau giờ học ở trường hay có thể là toàn thời gian cho việc bới, móc, gắp... những thứ gì có thể nuôi sống bản thân. Ở những đô thị của những nước nghèo trên Trái Ðất này, đâu cũng có những đống rác, cũng có những đám trẻ em sống với rác, nhưng chỉ ở một nước xã hội chủ nghĩa “tuyệt hảo” như Việt Nam mới có việc nhà cầm quyền “chõ mũi,” “ghé mắt” vào rác vì họ bắt đầu ngửi được mùi thơm của đồng tiền, thoát ra từ cái không khí oi ả, xú uế, nồng nặc của những đống rác vĩ đại đang lan tràn trên khắp các thành phố. Tưởng nơi đây, đống rác là nơi nghèo hèn tận cùng của kiếp sống rồi, không ngờ còn có kẻ tranh ăn với những người khốn cùng. (*)Huy Phương
(*) Những đống rác sắp được vào hợp tác xã.
Recycle
Hôm trước tôi vừa mới cười mấy bà cụ Việt Nam, sang đến năm nay, đã trở thành Mỹ cho nên khi gặp tôi trong nhà thờ, đã giơ tay ra bắt tay tốt tốt và chúc mừng tôi: Merry Christmas and Happy New Year, một cách ngon lành. Bây giờ tôi viết bài, cũng tỉnh bơ, dùng tiếng Mỹ đề tựa một cách còn ngon lành hơn gấp mấy lần! Cái này gọi là cười người chớ vội cười lâu. Cười người hôm trước, hôm sau người cười. Cái tội của các bà cụ chúc tôi Happy New Year đâu nó nặng gì so với cái sự viết văn mà chêm tiếng Mỹ vào của tôi. Tôi, chả gì, cũng mang tiếng là nhà giáo, nhà văn, toàn những chức vụ đòi hỏi chữ nghĩa, mà tôi còn làm ăn bố ổi kiểu này, trách gì những người bình thường, chả là nhà văn cũng chẳng là nhà giáo. Nhưng mà, nói các cụ thương, tôi nghĩ hoài không làm sao dịch cho xuôi, cho lọt cái chữ recycle ra tiếng Việt cả. Khổ thế! Mí lị, đây đâu có phải là lần đầu tiên tôi nói tới cái chuyện recycle đâu. Tôi nói cái chuyện này từ hồi Giáng Sinh năm nảo năm nào, về cái chuyện lấy đồ cũ làm quá tặng Giáng Sinh cho người khác.
Hồi tôi ở trên Dallas với con, con dâu tôi nó là một chuyên gia recycle. Nhà nó có đến mấy thứ túi rác, mỗi thứ một mầu. Túi đen thì bỏ rác trong bếp như rau cỏ, vỏ trái cây, thịt thà, cá mú. Túi mầu xanh dương để bỏ giấy, tất cả các loại giấy vụn, hộp nhựa và túi ni lông. Túi màu trắng để bỏ các chai lọ. Còn báo chí sách vở có một thùng nhựa riêng. Tôi học mấy ngày mới thuộc được loại rác nào là rác vứt đi, loại rác nào là rác giữ lại. Nói theo kiểu thời trang, rác nào là rác thật, còn rác nào là rác recycle. Ðến là mệt. Nó giảng nghĩa cần phải gìn giữ môi trường, nếu không, khi con nó lớn lên sẽ phải chịu hậu quả của cái sự ẩu tả của thế hệ đi trước đã làm hư hỏng môi trường. Vì tương lai con cháu, tôi cũng phải cố gắng ra công rửa những chai lọ, đáng lẽ chỉ cần vứt tọt vào thùng rác là xong, để bỏ vào những bao recycle. Lâu lâu nó lại lôi ra một cuốn sách một cái thiệp và khoe với tôi rằng, mấy cái này toàn dùng đồ recycle cả đấy mẹ. Ðể an ủi tôi rằng cái sự cố gắng của tôi đem lại kết quả tốt đẹp là làm sạch Trái Ðất, tiết kiệm được thiên nhiên, và giúp cho một số cây rừng không bị chặt xuống để làm giấy.
Chuyện recycle rác là một chuyện tầm phào, tôi nói để quí cụ nghe chơi rồi bỏ, nhưng còn một thứ recycle khác quan trọng và khiến cho những người như chúng ta đây cần học hỏi để suy ngẫm, đó là sự recycle những bộ phận trong cơ thể con người. Nói cho dễ hiểu hơn đó là cái chuyện cho những phần cơ thể của mình, khi chẳng may mình bị bất đắc kỳ tử. Xét về mặt y khoa và nhân đạo, đây là một việc làm đầy ý nghĩa và nên khuyến khích. Khi ta ra đi, cần gì mang theo một số bộ phận hãy còn tốt, hãy còn xài được xuống lòng đất, trong khi những bệnh nhân nằm cu ki trên giường bệnh chỉ cần cái gật đầu của ta là tìm lại được sự sống bình thường. Từ thời mới bắt đầu lấy bằng lái xe hơi, tại xứ này, tôi đã ký, bằng lòng cho tất cả những bộ phận nào còn xài được trên cơ thể của tôi, cho những bệnh nhân đang cần thay thế, từ mắt, mũi, tim, gan, phèo, phổi. Ai cần gì xin cứ tự nhiên. Nhưng bây giờ thì dù tôi có đau một giây, chết một giờ, cũng chẳng ông bác sĩ nào mất công ghép những bộ phận của tôi vào cho bệnh nhân, vì lục phủ ngũ tạng của tôi rệu rạo hết rồi.
Nhìn về khía cạnh tích cực, việc ghép bộ phận của người chết cho người sống là một thành công của nền y khoa thời đại. Cái vụ cái bà ở bên Pháp được ghép mặt là một phép lạ của y khoa. Hôm vừa qua, bà đã trình diện thế giới khuôn mặt mới của bà. Trông rất bình thường, chỉ có bà chưa điều khiển được hàm dưới của bà theo ý muốn. Nhưng với các tập dượt hàng ngày, chuyện này chỉ còn đợi thời gian. Người nạn nhân cho bà nửa cái mặt, đồng thời cũng cho lục phủ ngũ tạng cho những bệnh nhân khác. Thành thử cái chết của bà này, không phải là một sự mất đi, mà là một sự tái sinh cho bao nhiêu người khác. Hành động của bà và gia đình là thật đáng tuyên dương.
Chuyện bệnh nhân chờ bộ phận của người ta cho để thay thế, tôi đã nói rồi thì phải. Người cho luôn ít hơn là người cần. Nhu cầu luôn lớn hơn nguồn tiếp liệu, cho nên cái sự chờ bộ phận thay thế cũng như mua xổ số Texas. Khi cung nhiều hơn cầu, và khi nguồn cung cấp chính thức, lương thiện không thỏa mãn được nhu cầu, lẽ dĩ nhiên, một nguồn cung cấp đen sẽ xuất hiện để bù vào chỗ thiếu.
Ðầu năm nay, trên tờ báo hàng ngày tại xứ tôi, có một bài báo nói về chuyện này, xem xong tôi phát ốm lên mất mấy ngày vì sợ. Hóa ra những phim Frankenstein chẳng phải là chuyện tưởng tượng của những nhà làm phim nữa, mà trở thành sự thật, cũng giống như những chuyện khoa học của Jules Verne thuở nào. Một số các bác sĩ và bệnh viện thiếu lương tâm - hay là nhiều lương tâm cũng chưa biết chừng? - nhìn thấy các bệnh nhân nằm ngáp ngáp chờ sung rụng, nghĩa là chờ bộ phận có người đem cho, cho nên đã giầu lòng bác ái, bèn rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân bằng cách dùng các bộ phận đánh cắp của các xác chết tại những nhà quàn để ghép cho bệnh nhân của mình. Tại New York, một số nhà quàn đã la làng về tội bị đánh cắp tử thi, chẳng phải là một lần mà là nhiều lần.
Một bệnh nhân tên là Patricia Batisti, đầu năm 2005 đã mắc bệnh đau lưng. Bác sĩ bảo phải mổ xương sống để thay thế một vài đốt xương đã bị hư hại. Theo lời bác sĩ đây là một thủ tục rất thông thường, chả có gì đáng ngại. Nhưng chỉ một năm sau, bà mới vỡ lẽ ra là mọi sự không giản dị như thế. Bà đã tá hỏa tam tinh khi nhận được thư của bệnh viện báo cho biết là có thể bà đang mang mắc nhiều chứng bệnh do vi khuẩn gây nên, vì khúc xương mà bác sĩ ghép vào cho bà là của một xác chết đã mắc nhiều bệnh. Nhà thương còn cho biết việc này không phải chỉ có bà duy nhất là nạn nhân mà là một dịch vụ do một số người đã đánh cắp các phần thân thể của các xác chết trong nhà quàn, chặt ra đem bán cho bệnh viện. Cho nên đã không được thử nghiệm trước khi ghép cho bệnh nhân. Một bệnh nhân khác cũng la trời là bà đã mắc bệnh hoa liễu, sau khi bà cũng được ghép xương. Hiện nay phong trào đánh cắp xác chết có vẻ phấn chấn và phát đạt. Một số người có thân nhân chết đã trình cảnh sát là họ nghi rằng xác chết của thân nhân học đã bị cắt, xén, chặt, mổ, trước khi được khâm liệm hay bỏ vào lò đốt.
Nhà đương cuộc nhìn nhận là đã có hai tổ chức, trả tiền cho nhân viên nhà quàn để được lấy những bộ phận có thể dùng được như da, xương, của xác chết mà gia đình họ không hay biết. Ðiều nguy hiểm là một số xác của những người chết bệnh, chết già, mà lại được bác sĩ nhìn nhận là hãy còn trẻ, khỏe mạnh và chết vì tai nạn. Hiện nay văn phòng biện lý cuộc Brooklyn đang mở một hồ sơ về các vụ đánh cắp xác chết tại các nhà quàn, và số xác bị mất cắp có thể lên đến hàng trăm.
Recycle kiểu này thì thật là khủng khiếp. Không có một chuyện gì có lợi mà con người không dám làm, ngay cả những người vẫn được tiếng là hành nghề cứu nhân độ thế cũng không cưỡng lại được.Nguyễn Thị Hồng Diệp(Theo NVOnline)RÁC VÀ THÙNG RÁC
Sanh, lão, bệnh, tử và... rác gắn liền với thân phận con người. Còn sống là còn tạo ra rác rưởi, ai tránh khỏi qui luật này? Từ vua quan đến thứ dân, từ bậc thánh nhân đến người phàm phu tục tử ai cũng tạo ra rác, không nhiều thì ít. Kiếp người sống càng lâu càng tạo ra nhiều rác và dường như người càng cao sang, càng được xã hội trọng vọng lại càng tạo ra nhiều rác rưởi hơn ai hết. Trong ngày thu rác, cứ đi một vòng quan sát, người ta sẽ thấy những khu xóm lao động nghèo có ít thùng rác hơn, ít đồ phế thải hơn các khu xóm sang giàu. Các nhà nghiên cứu về sự liên hệ giữa rác và tác phong tiêu thụ đã nghiệm ra rằng cứ nhìn rác rưởi phế thải của một khu xóm, người ta có thể đoán biết cách sống, lối nghĩ và thành phần xã hội của cư dân nơi đó. Rác được xem là biểu hiện của sự sống. Tôi tạo ra rác vậy thì tôi có, tôi hiện hữu, tôi còn sống đây. Càng tạo ra nhiều rác càng chứng tỏ tôi đang sống mạnh, sống vững chắc, sống dư thừa, sống sang giàu. Người thiếu ăn, thiếu mặc thì đâu có dư của để tống khứ ra ngoài. Nhưng rác không phải là sự sống. Rác là đồ phế thải. Rác là sự chết, không ai muốn giữ nó trong nhà, chỉ muốn vứt nó đi cho rảnh nợ.
Đời sống càng văn minh, càng tiến bộ thì càng có nhiều rác, càng có nhiều núi rác. Trong thập niên 50 thế kỷ vừa qua, một nhà kinh tế học Mỹ đã buột miệng nói rằng: "Rác của một thành phố Hoa Kỳ có thể nuôi sống cư dân một thành phố Âu Châu, và rác của một thành phố Âu Châu có thể nuôi sống cư dân một thành phố Á Châu." Hẳn nhiên không ai "ăn rác" mà sống. Thủ đô Sàigòn trước năm 1975 cũng không có nhiều rác rưởi như thành phố Hồ Chí Minh bây giờ. Những đống rác khổng lồ, to tướng không cần nhìn kỹ cũng thấy. Trong nhà ngoài ngõ, đâu đâu cũng có rác.
Trong các loại vua ở trần thế, người ta phải kể đến những ông "vua rác", những người không phải sống bằng nghề thu rác theo nghĩa thông thường, nhưng làm giàu nhờ biết khai thác "rác rưởi" của thế nhân.
Rác và thùng rác liên hệ như bóng với hình. Đâu có rác là ở đó có thùng rác. Không ai muốn giữ rác trong nhà, vừa mất vệ sinh, có thể gây bệnh, vừa khó ngửi. Do đó thùng rác mới cần. Thùng rác có công dụng chứa rác, có nấp đậy kín để mùi hôi không thoát ra ngoài và để ruồi nhặng không thể cắm dùi sanh sôi nẩy nở . Công dụng của thùng rác sẽ mất đi rất nhiều nếu không có nấp đậy che kín lại.
Trong các loại thùng dùng để đựng, thùng rác có vị thế quan trọng một cách nghịch lý. Các loại thùng khác chứa đựng đồ vật bên trong có giá trị gấp trăm gấp ngàn lần thùng đựng nó. Không ai muốn giữ lại thùng này sau khi đã lấy vật bên trong ra vì nhiệm vụ của nó chỉ là để bảo vệ đồ vật quí bên trong được toàn vẹn trong lúc di chuyển, xê dịch. Khi mua máy truyền hình chẳng hạn, người ta lựa chọn máy có thùng còn nguyên vẹn, chưa ai mở, không móp méo mặc dù người ta mua vì cái máy truyền hình ở bên trong, không phải vì thùng đựng bên ngoài. Khi mang máy về nhà, người ta cẩn thận mở thùng lấy máy ra, chưng bày ở ngay phòng khách để gia đình và bạn bè cùng chiêm ngưỡng, thưởng thức. Nhưng từ giờ phút này, thùng đựng máy không còn quan trọng nữa. Nó trở thành một chướng ngại vật làm chật cửa chật nhà, cần vứt đi. Nó đã trở thành rác. Thùng đựng rác thì khác, nó được quí trọng hơn. Người ta mua thùng rác vì công dụng của nó, không phải vì giá trị của vật mà nó sẽ chứa đựng. Người ta chỉ muốn tống khứ rác rưởi ở bên trong nhưng giữ thùng rác lại để dùng tiếp. Không ai muốn vứt thùng rác cùng với rác bao giờ. Nếu thùng rác dơ quá, hôi quá nó sẽ được rửa sạch để làm tròn nhiệm vụ chứa rác. Đã là thùng rác thì không có quyền lựa chọn, sử dụng cách nào tùy thuộc nơi chủ nhân. Thùng rác chấp nhận tất cả mọi thứ rác, không phân biệt rác của người giàu hay rác của người nghèo, của kẻ quyền thế hay của thứ dân, rác sạch hay rác dơ, rác khô hay rác ướt.
Thùng rác có giá trị gấp trăm ngàn lần rác, vật mà nó chứa đựng. Dù vậy, không ai mang thùng rác để trong phòng khách hay nơi phòng ngủ của mình. Nếu được giữ trong nhà thì nó thường ở một hóc hẽo nào đó mà người ngoài khó thấy. Vị trí của thùng rác thường là ở sau hè hay trước ngõ (chỉ trong ngày thu rác). Trong các điều xấu ở cõi đời này thì thùng rác là cái xấu cần thiết cho đời sống. Thử tưởng tượng nếu các thùng rác trong nhà biến mất đi trong một tuần thì sinh hoạt gia đình sẽ ra sao? Nhưng khi thùng rác quá hôi thối, không thể tẩy rửa sạch được, hay móp méo, bể, nắp đậy không còn kín... khiến ruồi nhặng có thể dùng làm nơi ẩn náu thì thùng rác không còn làm đúng chức năng chứa rác. Chính nó đã trở thành một thứ rác và sẽ bị vứt đi như các loại rác rưởi khác mà nó đã từng chứa đựng trước đây.
Nếu những sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày như ăn uống, mặc, ở... tạo nên nhiều rác rưởi và cần đến thùng rác để chứa đựng trước khi vứt đi thì đời sống tâm hồn cũng có những rác rưởi riêng của nó. Tội lỗi hay rác rưởi của tâm hồn thường khi biểu hiện qua hành động nhưng cũng có khi ở trạng thái vô hình, chưa bộc lộ vì còn trong giai đoạn thai nghén (tư tưởng), chờ cơ hội thuận lợi để phát lộ. Tội lỗi làm dơ bẩn tâm hồn cũng như rác rưởi làm dơ bẩn môi sinh. Cả hai đều làm dơ bẩn cuộc đời. Lấy gì để chứa đựng những rác rưởi của tâm hồn? Có loại thùng rác nào dám nhận, dám chứa? Làm sao quăng vứt chúng đi?
Trước khi tìm được thùng rác để xả hơi, trút cạn tội lỗi, rác rến, người phạm lỗi đã biến thân xác mình, tâm hồn mình thành một thứ thùng đựng rác. Hành động che dấu hay biện minh lỗi lầm cũng giống như hành động lấy nắp đậy kín thùng rác lại vì sợ mùi hôi thối tỏa ra. Sự tiếp cận lâu ngày giữa rác và thùng rác có thể làm nẩy nở tình đồng chí keo sơn gắn bó đến độ không còn vách bờ phân cách đâu là rác, đâu là thùng rác. Ta là thùng rác mà rác cũng là ta. Ta với rác đã hòa đồng biến thành một. Đến mức này thì quả thật bệnh khó tìm ra thuốc chữa.
"Những hình ảnh đẹp về một chân trời, những lời ca viết về một chuyện tình sử, những lời thơ dệt một mơ ước, con không thấy hình ảnh nào đẹp như thùng rác. Đẹp, vì ở nơi nó, tầm thường mà dũng cảm. An ủi làm sao khi người đổ rác cúi xuống nói với thùng rác: "Ta không chọn những con đường đẹp. Ta sẽ làm đẹp tất cả nơi nào ta đi tới." LAQUABI (http://blog.360.yahoo.com/blog-B0Z8R9U9ereGljdSQGRXn3A-?cq=1&p=121)
Kiếm tiền từ rác
Năm 1989, Ng Teck Lee từ bỏ công việc lái xe tải để mở công ty tái chế chất dẻo, bắt đầu lùng sục các bãi rác ở Singapore để tìm kiếm linh kiện điện tử. Ban đầu, chàng thanh niên chưa tốt nghiệp trung học này tách các kim loại quý và bán chúng cho các công ty ở Nhật Bản. Sau đó, anh nhận ra rằng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu tự tái chế rác điện tử.Ngày nay, Lee tự cho là chủ của công ty tái chế rác điện tử lớn nhất thế giới, bao gồm máy tính hỏng, điện thoại di động và vô tuyến. Những thứ rác này thường bóp nghẹt các bãi chôn lấp ở nhiều nước đang phát triển. Công ty Citiraya của Lee đã ký hợp đồng với nhiều tập đoàn điện tử, trong đó có Intel, Nokia và Hewlett-Packard. Nó chiếm 70% thị phần tái chế rác điện tử công ty - những linh kiện bỏ đi mà các nhà sản xuất tự thu thập và chuyển tới cho Citiraya hoặc các công ty khác để tái chế.
Ian Broughall, Giám đốc môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nokia, cho biết: ''Không có nhiều công ty trên thế giới tái chế rác điện tử''. Với việc nhiều quốc gia đang tăng cường áp lực về mặt luật pháp, buộc các nhà sản xuất phải có trách nhiệm với hàng núi rác điện tử, ngân hàng trung ương Đức dự báo doanh thu của Citiraya sẽ tăng gấp đôi, lên 237 tỷ đô la vào năm 2006 và lợi nhuận sẽ tăng gần gấp ba lên 50 triệu đô la.
Rác điện tử là loại rác tăng nhanh và nguy hiểm nhất trên thế giới. Chúng chứa đầy chất độc. Có chì và cadmium trong các bản mạch máy tính, oxít chì và bari trong ống tia cathode ở màn hình, thủy ngân trong công tắc và màn hình phẳng, chất chống cháy cũng như vỏ làm bằng chất dẻo. Các chất độc này xâm nhập vào đất khi rác điện tử được đưa tới bãi chôn lấp hoặc bãi tái chế công nghệ thấp. Tại những bãi đó ở các nước đang phát triển, công nhân gỡ kim loại quý như vàng và đồng rồi ném đi phần còn lại.Chẳng hạn như ở Mỹ, khoảng 80% rác điện tử được tái chế là do các môi giới thu thập từ người tiêu dùng hoặc kho tái chế. Sau đó, họ chuyển tới các nước ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Tại châu Á, rác điện tử được chất thành những đống lớn và các công nhân, không mặc bất kỳ thứ quần áo bảo hộ náo, tháo rời chúng ra. Theo báo cáo năm 2002 của nhóm môi trường Basel Action Network, trong quá trình tái chế, họ thường đổ hoá chất vào sông ngòi lân cận. Công ước Basel 1992, được phần lớn các nước ký kết ngoại trừ Mỹ, ngăn cấm vận chuyển rác điện tử độc hại từ các nước thành viên OECD (câu lạc bộ các nước giàu) tới các nước ngoài OECD.
Năm 2003, Liên minh châu Âu đã thông qua chỉ thị yêu cầu các nước thành viên ban hành luật trong năm nay. Luật đó sẽ buộc các nhà sản xuất đồ điện tử thu hồi và tái chế tới 75% tổng sản phẩm họ bán ra tại châu Âu. Các nước thành viên còn một năm nữa để thực thi các đạo luật này. Một vài nước ở châu Á trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã ban hành các đạo luật tương tự. Mặc dù chưa có luật như vậy tại Mỹ song các bang Maine và California đã thông qua luật thu hồi.
Nhờ công nghệ caoLee chắc chắn sẽ thu được bộn tiền từ sự bùng nổ rác điện tử. Nguyên nhân? Citiraya là một trong số ít các công ty trên thế giới tái chế rác bằng công nghệ cao. Quả thực, thương gia này đã quyết định thành lập nhà máy đầu tiên của ông tại Singapore nơi doanh nghiệp phải tuân thủ luật nhập khẩu rác điện tử cũng như đáp ứng những tiêu chuẩn phát thải do Cơ quan môi trường quốc gia Singapore đặt ra. Mục đích là tránh xa các nhà máy tái chế ở những nước có tiêu chuẩn lỏng lẻo.Citiraya có các trung tâm thu gom tại 11 quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Anh. Hiện công ty này đang tổ chức thêm nhiều trung tâm nữa tại Mỹ, Mexico, Nhật Bản và Hungary trong năm nay. Sau đó, rác điện tử sẽ được chuyển tới Singapore để tái chế. Citiraya có một nhà máy xử lý rác điện tử ở Đài Loan. Gần đây, công ty hợp tác với chính quyền tỉnh Wuxi ở Trung Quốc xây dựng một cơ sở tái chế trị giá 20 triệu đô la ở đó. Lee dự định mở một nhà máy tái chế màn hình ống tia cathode ở xứ Wales vào năm tới.
Tuy nhiên, nhà máy ở Singapore là viên ngọc quý trong số các nhà máy thành viên của công ty Citiraya. Ở một khu sản xuất, các công nhân đi ủng, găng tay dày và thiết bị dưỡng khí. Họ sử dụng các máy cắt nặng nề để phá các con chip trong bản mạch. Mảnh vụn được chuyển tới lò luyện có khả năng nấu chảy mọi loại chất dẻo chịu được nhiệt độ 800 độ C. Ở trên gác, công nhân sử dụng hoá chất để cạo các vật liệu quý như vàng, đồng. Thiết bị giám sát do Cơ quan môi trường quốc gia lắp đặt phân tích không khí toả ra từ rác điện tử ở Citiraya. Mọi giọt nước thải chảy ra ngoài công ty bắt nguồn từ nhà máy xử lý nước bên trong.
Citiraya đã lắp đặt một hệ thống theo dõi công nghệ cao, ghi lại mọi chuyển động của rác điện tử trong chuyến hàng cũng như quá trình tái chế. Do vậy, các nhà sản xuất có thể chứng tỏ họ đã tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhà máy có 60 camera được liên kết với hệ thống máy tính. Do vậy, khách hàng có thể truy nhập qua internet để theo dõi sản phẩm của họ đang bị hủy. Lee nói: ''Các công ty sản xuất hàng điện tử cần bằng chứng và chúng tôi cung cấp điều đó''.Theo các giám đốc tại HP, nhà máy Citiraya tại Singapore thu hồi khoảng 90% rác điện tử mà HP chuyển tới đó, một phần là do chi phí lao động thấp cho phép Citiraya thuê nhân công tháo rời linh kiện bằng tay trước khi xử lý. Trái lại, các nhà tái chế của HP ở châu Âu, sử dụng các hệ thống tự động, thu thồi khoảng 65%. Jean Claude Vanderstraeten, Giám đốc môi trường tại châu Á - Thái Bình Dương của HP, nói: ''Với mô hình của Citiraya, chúng ta có thể thu hồi nhiều hơn. Không có nhiều công ty toàn cầu có thể đạt được tỷ lệ tái chế này. Trong năm nay, HP sẽ chuyển 1.500 tấn rác điện tử tới Citiraya.
Còn nhiều trở ngại
Tuy nhiên, Citiraya đối mặt với một số trở ngại trên chặng đường mở rộng kinh doanh. Một vấn đề là Australia đã diễn dịch Công ước Basel: các loại rác điện tử nhất định, chẳng hạn bản mạch chứa chì, là rất độc hại và không được gửi tới Singapore, một quốc gia không phải là thành viên của OECD. Australia là quốc gia duy nhất diễn dịch theo cách này. Lee lưu ý rằng, các chính phủ EU đã coi bản mạch là rác không độc và đã ký giấy phép xuất khẩu nó sang Singapore.
Các quy định mới của châu Âu có thể giải quyết vấn đề này. Một chỉ thị mới được EU thông qua gần đây yêu cầu các nhà sản xuất loại bỏ nhiều hóa chất độc hại trong các sản phẩm điện tử vào năm 2006, bao gồm cả chỉ trên bản mạch in. Lee nói: ''Chúng tôi biết chúng tôi đang làm một điều hữu ích, theo đúng cách. Khi càng có nhiều chính phủ quy định điều đó, càng tốt cho chúng tôi''.
Minh Sơn
Làm giàu từ... “Rác”
"Tôi cũng chỉ như bao người nông dân bình thường khác, mong muốn thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình" - ông Lều Văn Phát ở xóm Hà, thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam (TX.Hưng Yên - Hưng Yên) khiêm tốn trước mọi lời khen. Thế nhưng, những việc ông làm được người dân nơi đây coi là "phi thường". Vì ông không những giúp họ làm sạch môi trường bằng cách thu gom rác mà còn biết tận dụng chúng để trồng nấm sạch và có thu nhập hơn 1 triệu đồng /ngày.
Từ suy nghĩ...
Ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất phố Hiến hào hoa. Như bao thanh niên đầy nhiệt huyết, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, 18 tuổi ông lên đường vào chiến trường miền Nam. Năm 21 tuổi, ông được kết nạp Đảng. Rời quân ngũ, ông về làm việc tại Sở Công nghiệp, rồi về nghỉ mất sức ở tuổi 40. Cuộc sống gia đình ông khi đó không dư giả gì, chỉ trông vào vườn nhãn vụ được vụ mất, các con lại sắp vào đại học,... Thế là một lần nữa ông lại khoác ba lô “lên đường” vào Nam, nhưng là đi học cách làm giàu và tìm thị trường tiêu thụ nhãn. Tuy nhiên, tất cả chỉ là giải pháp tình thế, cây nhãn vẫn không ổn định và cuộc sống gia đình ông theo đó cũng bấp bênh.
Từ nhỏ đến lớn, ông chỉ quen với cây nhãn. Quê ông, cứ vào mùa thu hoạch nhãn, không khí lại trở nên ngột ngạt, ô nhiễm khi ruồi muỗi “đánh hơi” được vị ngọt của nhãn kéo về đen đặc; hạt, vỏ, cành nhãn vương vãi khắp nơi, gặp mưa thì mủn ra, bốc mùi khó chịu. Ông tâm sự: “Một lần nghe ông Dũng (GS. Nguyễn Lân Dũng) nói trên tivi về việc tận dụng các phế thải trong sản xuất nông nghiệp để trồng nấm. Tôi bắt đầu để ý, vào mùa mưa, trên thân các cây nhãn, những bãi rác ẩm ướt thường mọc rất nhiều nấm, bà con chúng tôi gọi là nấm dại. Trong tôi dần hình thành ý nghĩ và tự nhủ, mình có thể trồng nấm ăn từ những mùn rác và thân cây nhãn ẩm ướt đó, biết đâu đây sẽ là cơ hội làm giàu...”... đến hành động
“Phải làm thử mới biết thành hay bại”, đó là quyết tâm của ông khi bắt tay vào trồng nấm. Trồng nấm khó nhất là khâu gây nuôi bào tử, thường người trồng phải mua giống ở các trung tâm khuyến nông. Ông không phải là nhà khoa học và cũng chưa hiểu nhiều về phương pháp trồng nấm, tuy nhiên, ông vẫn có bí quyết để cấy được meo nấm. Ông bắt đầu thu gom “rác”, đem nghiền thành bột rồi mang đi cấy. Bằng óc quan sát và học hỏi từ sách vở, kinh nghiệm trong các chuyến đi về miệt vườn miền Tây Nam Bộ, ông tìm cách lấy những bào tử nấm bé li ti bay trong không khí, rồi đưa vào gây nuôi trong ống nghiệm.
Kết quả của vài lần thử nghiệm là các loại nấm đều phát triển tốt. Thành công của ông đã làm cho nhiều chủ cơ sở chế biến long nhãn, vải sấy, bóc tách hạt sen ở xã Hồng Nam như trút được gánh nặng. Từ năm 2000, tất cả phế phẩm, vỏ, hạt, lá nhãn, vỏ hạt sen đều được ông cho người đến thu gom để mang về “chế biến” thành nguyên liệu trồng nấm. Ban đầu, ông phải nghiền nhỏ rác nhưng nay ông để nguyên, cho vào túi nylon. Nguồn “rác” quanh vùng chỉ đủ cho ông sản xuất nấm 4 – 5 tháng, còn lại phải đi nhiều nơi thu gom.
Tận dụng vườn nhà gần 2.000m2, ông bắc giàn, làm nhà xưởng, nơi trữ mùn rác để nuôi trồng các loại nấm sò, nấm hương, nấm linh chi, mộc nhĩ... Bình thường, sau 40 – 45 ngày nấm sẽ cho thu hoạch. Nhưng ban đầu vì chưa có kinh nghiệm nên nấm ông trồng hay bị giập nát, mốc. Không nản, ông lại mua sách báo về nghiên cứu, hỏi thêm cán bộ ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh và rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại. Ông đầu tư gần 40 triệu đồng mua nồi hơi, thiết bị diệt khuẩn để xử lý nấm đạt các yêu cầu về chất lượng; xây lò khử trùng meo nấm trước khi đưa vào trồng trong nhà lưới. Ban đầu, ông chỉ trồng nấm thành phẩm, nhưng ba năm nay, ông sản xuất cả nấm giống bán cho bà con.
Trồng nấm thành công và cho thu nhập khá không phải là mô hình mới với nhiều nông dân trong cả nước, nhưng trồng nấm từ “rác” lại là điều vô cùng mới mẻ, mang lại nhiều ích lợi to lớn. Hiện, gia đình ông sản xuất khoảng 2 tạ nấm /ngày, với giá 8.000 đồng /kg, ông thu về 1, 6 triệu đồng/ngày, trừ chi phí, lãi khoảng 800.000 đồng. Sản lượng nấm không đủ cung cấp cho các siêu thị ở Hà Nội nên chưa bao giờ ông ế hàng. Họ thường hợp đồng trước với ông cả tháng. Ngoài ra, ông còn cấy giống giúp bà con trong vùng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập 600.000 – 700.000 đồng /tháng.
Đến nay, sản phẩm nấm của ông đã được công nhận là nấm sạch bệnh, cơ sở trồng nấm được Viện Cơ điện và Nông nghiệp sau thu hoạch về nghiên cứu giống nấm sạch bệnh. Bằng việc làm “đột phá” trong sản xuất kinh tế hộ, ông là niềm tự hào của bà con nông dân phố Hiến.
Dương Thanh
Những người trẻ làm giàu từ "rác"
Trong lúc bạn bè đua nhau đi tìm những công việc có tên "thật kêu" để làm giàu thì có những người trẻ lại chọn cho mình bước khởi nghiệp từ những thứ người ta thường vứt đi như: xoài non, rác sinh hoạt, sọ dừa, ván vụn...
Khởi nghiệp từ "rác"...
Nếu không lớn lên từ miền quê Trà Vinh, Đặng Diệp Yến Hương - một cô gái tuổi 8X, có lẽ khó mà nhận ra những giá trị thương mại của trái xoài non bị người dân quê cô hái bỏ để cây xoài đủ dinh dưỡng nuôi trái lớn. Cả một tuổi thơ gắn bó với cây xoài, Hương thấy xót xa khi nhìn hàng tấn xoài non bị vứt đi. Và rồi ý nghĩ "nâng cấp" món khoái khẩu tuổi thơ lên thành đặc sản bám riết cô ngay khi vào đời. Đang làm cho một công ty nước ngoài với mức lương vài trăm USD/tháng, bất ngờ Hương xin nghỉ về nhà... ngâm xoài bán. Từ những hũ xoài ngâm cho chính mình, Hương mày mò tìm ra kỹ thuật làm xoài vừa giòn vừa ít chua mà không dùng hóa chất. "Phải chọn xoài to cỡ ngón tay cái, khi ngâm cho tí ớt vô thì nó mới ngon..." - Hương bật mí. Suốt mấy tháng trời "đeo" xoài non, cuối cùng Hương cũng tìm được bí quyết tạo ra miếng xoài ngâm hợp khẩu vị nhiều người. Đem xoài đi xét nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm xong Hương tổ chức đóng gói, đặt cho "nó" cái tên Xoài non chua ngọt Nam Phương và mở chiến dịch chào hàng khắp nơi.
Đặng Diệp Yến Hương và sản phẩm xoài ngâm
Không có gốc gác từ xứ sở trái cây như Hương, Mai Ngọc Hưng sống ở một vùng ven "hơi bị" nhiều rác của tỉnh Đồng Nai. Vừa học hết lớp 12, hằng ngày ra chợ phụ gia đình buôn bán, Hưng thường đi ngang qua những bãi rác to đùng, hôi hám. Thế rồi, anh chàng chỉ mới 20 tuổi này bỗng dưng suy nghĩ cắc cớ: "Sao cứ là rác thì phải bỏ đi để làm ô nhiễm môi trường như thế này? Sao không biến những bao bì, đồ nhựa bỏ đi thành một thứ mủ sạch cung cấp cho các cơ sở sản xuất vật dụng bình dân?". Nghĩ là làm. Ngày ngày Hưng cùng bọn trẻ đi lượm ve chai đến các bãi rác nhặt bao nilông về rửa sạch rồi đón xe đò vào Sài Gòn tìm cơ sở bán lại. Từ cách làm thủ công, Hưng dần dà "hiện đại hóa" bằng cách cải tiến công năng của máy tuốt lúa thành máy.... tuốt rác. Rác nhặt về, Hưng cho vào hố ủ để giảm mùi hôi. Sau đó, anh phân loại rồi đem đi tuốt để tách chất dơ ra khỏi bao. Nước đọng từ các hố ủ Hưng gắn máy bơm dẫn ra làm phân tưới cây. Rác làm xong, Hưng gửi xe đò chở vào Sài Gòn bán cho các đầu mối làm vật dụng nhựa. Có điều kiện vào đời thuận lợi hơn Hương, Hưng nhưng Điền (tên thường gọi ở nhà của Trần Văn Đỉnh) - chàng trai 23 tuổi, lại tự nguyện gắn tương lai của mình với những lát gỗ bỏ xó trong xưởng thủ công mỹ nghệ của gia đình. Nhờ khéo tay cộng với cá tính thích làm những việc không giống ai, Điền lần lượt phát minh ra những chiếc xe hình đầu trâu bằng gỗ có động cơ, xe vespa "sơn" bằng sọ dừa chẻ nhỏ, vỏ điện thoại di động bằng gỗ và da cá đuối... Lúc bắt đầu, Điền còn phải sang tận Campuchia để tìm mua một loại keo đặc biệt về dán những thứ quê mùa ấy lên các vật dụng sang trọng. Mất ba tháng trời, sản phẩm đầu tiên mới hoàn chỉnh, "Ban đầu mình chỉ định làm chơi thôi nhưng không ngờ nhiều người hỏi mua quá trời đất!" - Điền kể.
...đến trở thành triệu phú:Điền và xe vespa "sơn" bằng sọ dừa chẻ nhỏ
Hưng kể ngày anh về thưa với gia đình khởi nghiệp bằng việc tái chế rác, cả nhà anh dù đang trong cảnh rất túng khó vẫn cương quyết cấm cản. Đến một ngày, khi phát hiện anh đi nhặt bao nilông đem ra suối rửa, ba anh rất giận dữ... Hưng ra sức năn nỉ, thuyết phục riết rồi ba Hưng cũng xuôi lòng và... bán đàn heo cho anh mượn vốn mở cơ sở tái chế rác Ngọc Hưng. Sau hơn hai năm khởi nghiệp, hiện tại trung bình mỗi ngày Hưng tiếp nhận từ một đến hai tấn rác "thô" và xuất ra khoảng hơn nửa tấn rác sạch, tạo công ăn việc làm cho 30 người với một khoản thu nhập ổn định hằng tháng. "Tôi đang tìm nguồn vốn để mua máy tạo hạt nhựa, tái chế mủ để tự mình làm lấy các vật dụng từ rác sạch. Gì chứ rác thì ở vùng này nhiều lắm. Nếu biết cách làm thì cả một đống tiền nằm ở đó..." - Hưng suýt xoa.
Cũng như Hưng, ngày Hương xin nghỉ làm để về ngâm xoài non bán, người quen ai cũng bảo cô làm chuyện không đâu. Vậy mà chỉ chưa đầy ba năm, xoài ngâm Nam Phương đã trở thành mặt hàng thực phẩm quen thuộc trong các siêu thị lớn ở TP.HCM. "Ăn thua là mình có niềm tin vào việc mình đang làm và phải hết mình thì chắc chắn thành công" - Hương nói. Mỗi tháng doanh thu của Hương từ 100 đến 200 triệu đồng. Hương còn lập một trang web tiếp thị xoài ngâm để tìm đường "xuất ngoại" cho đặc sản quê nhà trong nay mai.
Còn Điền, sau những ý tưởng làm xe trâu, vỏ điện thoại... từ gỗ, sọ dừa cũng "chết" luôn cái biệt danh "Điền khùng". Ngoài hợp đồng 10 chiếc xe trâu (mỗi chiếc có giá 2.000 USD) đang làm cho một đối tác trong nước, Điền đang tiếp tục đầu tư để tạo ra một dòng sản phẩm vỏ điện thoại di động mang thương hiệu "cu Điền" làm từ những vật liệu bình dân. "Ai không biết thì sẽ coi gỗ, sọ dừa... giống như củi đốt lò. Nhưng nếu biết cách khai thác thì sẽ tìm thấy những giá trị mỹ thuật tuyệt vời của nó" - Điền tâm đắc.
Chuyện của những người "sống chung" với rác!
Khi mọi người còn đang yên giấc, họ phải chuẩn bị cơm nước cho một ngày lao động mới. Công việc chính của họ - những người chuyên sống bằng nghề bươi rác - là gắn bó với rác cả ngày lẫn đêm. Cái nghề không ai muốn chọn và “những mảnh đời rác” cùng biết bao cay đắng đã đeo bám cuộc sống đầy buồn tủi của họ. Câu chuyện của hàng trăm người sống chung với rác là những buồn vui thường nhật...
Kỳ 1: Những mảnh đời rác!
TP.HCM có hàng trăm điểm trung chuyển rác, hàng ngày tiếp nhận hàng ngàn tấn rác, để chuyển về các khu xử lý rác thải ở rắn Gò Cát (huyện Bình Chánh), Tam Tân (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi)… Môi trường ở những nơi này thuộc diện báo động đỏ. Vậy mà, đây lại chính là nơi tạo "nguồn sống" cho không ít hộ dân chuyên nghề bươi rác, gom rác tìm phế liệu…
Trăm nẻo đường nghề…
Tại các bãi rác, các điểm trung chuyển rác ở đường Bình Long (quận Bình Tân) hay điểm ép rác trên đường Phạm Văn Xảo (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), lúc nào cũng có hàng chục người, cặm cụi bươi từng bọc ni-lông, từng vỏ nhựa, từng mảnh sắt vụn,… Nhìn chung hễ cái gì kiếm được ít tiền là họ tranh nhau nhặt nhạnh. Họ luôn phải sống trong không khí ô nhiễm để đổi lấy vài chục ngàn mỗi ngày. “Cư dân” những bãi rác trung chuyển quy tụ hầu hết những người tứ xứ, thất học. Tài sản lớn nhất mà họ sở hữu là sức lao động và... sự nghèo khó.
Ông Đào Văn Chính, 54 tuổi, có thâm niên 20 năm sống trong nghề bươi rác. Từ năm 1979 , ông đã đến khắp các bãi rác ở TP.HCM để kiếm sống. Ông có 4 người con thì 2 người đã theo nghiệp cha. Số còn lại cũng không khá hơn với thân phận làm thuê làm mướn.
Cách đây vài năm ông kiếm sống ở bãi rác Đông Thạnh, khi bãi rác này di dời, ông dắt díu gia đình về các điểm trung chuyển của bãi rác Gò Cát tiếp tục hành nghề bươi rác. Theo ông, đã quen với cái nghề này rồi thì khó bỏ, vả lại, nếu nghỉ biết làm gì để sống!
Gia đình cô Tư Trí, ở tận huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), hành nghề bươi, gom rác ở TP từ hơn 3 năm nay. Cô Trí cùng hai người con ruột và một con dâu mưu sinh ở điểm trung chuyển rác trên đường Bình Long. Cô cho biết: “Do không có nhiều ruộng đất, không nghề nghiệp nên cả gia đình kéo về đây tìm kế sinh nhai. Lâu lâu mới về quê thăm nhà một lần”.
Cô Tư Trí đang kể với phóng viên Thanh niên Online về hoàn cảnh đưa gia đình cô gắn bó với nghề bươi, gom rác.Lúc đầu cả gia đình cô Trí cũng đi bươi rác đều khắp các điểm trung chuyển rác ở TP.HCM. Sau nhờ tiết kiệm và bán đi một phần đất ở dưới quê được 30 triệu, hai vợ chồng đánh liều, đấu thầu thu gom rác ở khu phố 3, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân và cuộc sống gia đình tạm ổn.
… Và những mối lương duyên
Người hạnh phúc nhất ở điểm trung chuyển rác trên đường Phạm Văn Xảo (phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú) có lẽ là chị Hoài, 24 tuổi, có 6 năm trong nghề bươi, gom rác. Lúc trước chồng chị là anh Phương làm nghề chạy xe ba gác. Sau khi 2 người quen và cưới nhau, anh cũng theo chị về “sống chung” với rác. Từ đó cả gia đình theo cái nghề “bần cùng” này cho đến nay.Hầu hết các trạm trung chuyển rác cho bãi rác Gò Cát, Tam Tân có nhiều người còn trẻ. Họ quen nhau rồi cưới nhau, sinh con đẻ cái và tiếp tục công việc bươi rác kiếm sống. Như trường hợp anh Trường Giang (con trai cô Tư Trí) và chị Diễm, tuổi mới ngoài đôi mươi đã quen nhau ở điểm trung chuyển rác trên đường Bình Long. Anh chị cho biết vừa mới tổ chức lễ cưới ở quê (Trà Vinh). Chị Diễm - mới vào nghề bươi, gom rác khoảng hơn 1 năm - khi nói về kỷ niệm mới vào nghề chị không khỏi xúc động: “Mấy ngày đầu khi vào bươi, gom rác, cái mùi rác thối chịu không nổi. Về đến nhà ăm cơm là ói ra hết, tắm xà bông rồi mà cái mùi hôi thối cứ bám theo mãi!”. Quả thật, chẳng ai muốn ngày nào cũng đối mặt với bẩn thỉu và mùi hôi thối trên, nhưng vì cuộc sống, họ đã chọn bươi, gom rác để kiếm sống qua ngày. Và bãi rác đã nuôi sống không ít gia đình...Kỳ 2: Kiếm ăn nơi “đất khách”!
Những người vào bươi, gom rác ở các bãi rác, các điểm trung chuyển rác ở TP.HCM đều là người nghèo, ở tứ xứ quy tụ về. Vì vậy, hàng ngày họ cố giành giật cơ hội để tìm kiếm từng miếng ăn. Họ làm tất cả cũng chỉ kiếm chút tiền lận lưng, gửi về quê cho gia đình và phòng khi đau ốm nơi đất khách…
Cuộc chiến với “sự sống”
Bà Nguyễn Thị Tú Anh, 42 tuổi đã có 20 năm bươi rác, bức xúc chuyện thầu thu gom rác cá thể. Bà cho biết, chỉ cách đây mấy ngày, đã có xảy ra cãi vã giữa những người bươi rác và thầu thu gom rác. Bà Tú Anh nói : “Bây giờ bươi rác không còn như xưa, mọi thứ hầu như đều có thầu. Cái nghề bần cùng này mà cũng sắp bị tiệt đường sống…”. Thực tế khi chúng tôi trở lại điểm trung chuyển rác đường Phạm Văn Xảo (đây là điểm trung chuyển rác lớn nhất trong hàng chục điểm của quận Tân Phú), cũng vừa lúc một chiếc xe ben đến đây lấy rác. Hàng chục người vừa thấy rác là xông vào. Ai đến trước, được đứng gần đống rác và coi như đã “xí” phần, không ai được nhảy vào giành. Tuy nhiên, đôi lúc cũng có chuyện tranh giành nhau khi đông người chen lấn để bươi rác. Thế là xảy ra cãi vã, văng tục…
Anh Nguyễn Văn Sang (hơn 10 năm bươi rác khắp các bãi rác ở TP.HCM), nói như phân bua: “Nghề nào cũng vậy phải giành giật lắm mới có đường sống”. Theo anh Sang, điều đáng lo hơn cả chính là bệnh tật và tai nạn lao động.
Rõ ràng, môi trường vệ sinh ở các bãi rác ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của những người chuyên sống bằng nghề bươi rác. Cạnh đó, tai nạn lao động thì xảy ra thường xuyên. Anh Sang, cho biết thêm: “ Nước thải trong rác thật độc hại, nó hòa vào mồ hôi thì tắm sạch cách mấy cũng bốc mùi, còn lỡ để nước thải này văng vào mắt thì hậu quả không thể lường trước được.…”.
Chị Nguyễn Thị Nga chen vào và kể: “Nếu ai có hành nghề bươi rác ở những điểm ép rác thuộc Quận Tân Phú, cách nay hơn một năm, chắc sẽ không quên được hoàn cảnh thương tâm của chị Lê Thị Én (ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Mới lao động hơn 1 tháng, chỉ do sơ ý để nước rác bắn vào mắt. Sau đó mắt sưng đỏ tấy hơn một tuần, nhưng không đi khám. Đến khi khám thì đã trễ, đành phải bỏ đi con mắt hư…”.Chị Nga nói thật như đùa, đã hành nghề bươi rác thì không ai lại không một lần bước chân đến bệnh viện vì các vết thương gây nhiễm trùng trong lúc lao động . Và ai đó sợ gặp tai nạn lao động, không muốn cực nhọc ở các bãi rác thì coi như... đói!
“Hãi hùng” bữa cơm trưa!Có lẽ ấn tượng nhất đối với mọi người là bữa cơm trưa ngay tại bãi rác. Gần 12 giờ trưa, trời như đổ lửa, những người lao động ở đây vội nghỉ ngơi cơm nước. Họ ăn uống đơn giản và thiếu thốn, miễn sao là no cái bụng để tiếp tục làm việc cả ngày. Chúng tôi vào một túp lều được dựng xơ xài bằng vài tấm bạt nilông, là chỗ trú chân của những người bươi rác (tại bãi rác Phạm Văn Xảo, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú). Trong môi trường vệ sinh kém nhìn một người phụ nữ thỏai mái vừa ăn, vừa luôn tay đuổi ruồi bám vào thức ăn, chúng tôi lắc đầu chào thua . Bữa cơm diễn ra rất nhanh, ai cũng ăn vội để tiếp tục công việc bươi, gom rác. Họ gần như không sợ ô nhiễm và bệnh tật. Cái mùi hôi, tanh của rác dường như đã thấm vào máu thịt của họ. Vì vậy, chuyện ruồi nhặng bay khắp nơi, đậu vào thức ăn là chuyện thường ngày.
Anh Nguyễn Văn Sang, tâm sự: "Những người bươi, gom rác làm việc ngoài nắng, mưa trong môi trường đầy ô nhiễm nhưng họ đã gần như quen dần với điều kiện sống tệ hại này." Tất cả những người lao động ở đây đều đen nhẽm và gầy gò, đó là hậu quả của những ngày lao động đầy mệt nhọc và cả sự ô nhiễm lây lan".
Ở những bãi rác, điểm trung chuyển rác, còn đó nhiều mảnh đời phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả bệnh tật để đổi lấy sự sống. Họ vẫn quanh quẩn với đói nghèo và bệnh tật. Kết thúc một ngày làm việc, họ lại lầm lũi trở về với những dãy nhà trọ ở tạm qua đêm. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, trong số này có cả trẻ em luôn phải đối mặt với sự thất học và nghèo khổ.Kỳ 3: Trẻ em bươi rác với khát vọng đến trường. Ở các bãi rác, các điểm trung chuyển rác có nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường nhưng phải vất vả mưu sinh để kiếm sống. Cái chữ tưởng như bình thường lại là khát vọng của trẻ em nơi này…
Mơ về một ngày tươi sáng
Phần lớn trẻ em đang lao động tại các bãi rác, điểm trung chuyển rác ở TP.HCM có độ tuổi từ 8-13, chưa đi học hoặc bỏ học giữa chừng.
Em Trần Văn Út Mười, mới 12 tuổi nhưng đã có 5 năm hành nghề bươi rác. Cuộc sống nghèo khổ buộc em phải vào đời sớm. Chúng tôi gặp Mười ở điểm trung chuyển rác đường Bình Long (quận Bình Tân), rất tình cờ vì em là người nhỏ nhất, gần như lọt thỏm giữa đám đông toàn những người cao lớn.
Mười kể, nhà em nghèo lắm, cha mẹ lại đau bệnh nên em phải vào bãi rác phụ gia đình kiếm tiền. Lên 7 tuổi, khi bạn bè cùng lứa tung tăng cắp sách đến trường, thì Mười đã phải rời quê lên Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống bươi rác.
Mười ngậm ngùi: “Nhà em ở tận Cà Mau, từ nhỏ đến giờ thấy bạn bè đi học cũng ham lắm nhưng nhà nghèo đành phải chịu”. Gia đình Mười có đến 5 anh chị em, nhưng không ai được đi học cả, rồi lớn lên đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Hiện nay, Mười cùng 2 anh chị theo mẹ đi bươi rác ở các trạm trung chuyển rác thuộc quận Tân Phú và quận Bình Tân.
Nói về ước mơ, em cũng mong muốn được đi học như bạn bè và mai sau làm nghề nào khác có tương lai hơn.
Em Nguyễn Ngọc Tân, 12 tuổi, quê ở Bến Tre, dù ham học nhưng nghèo quá đành phải nghỉ học để kiếm sống. Và Tân lúc nào cũng ước mơ một ngày nào đó em có cơ hội để đi học lại.
Cùng cảnh ngộ và cũng một mơ ước trên, Lê Văn Cường, 12 tuổi, rất buồn vì phải nghỉ học sớm và đối diện với bao cực nhọc của cuộc mưu sinh.
Cám cảnh nhất có lẽ là trường hợp của em Thạch Sơn (quê huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Cách đây 3 năm, khi Sơn đang học lớp 7, một mất mát không thể tính được đã ập đến tuổi thơ của em. Cha mẹ Sơn mất trong một tai nạn giao thông, từ đó Sơn phải tự nuôi thân và chăm lo 2 em còn nhỏ. Để có tiền nuôi thân cũng như phụ giúp ông bà ngoại nuôi các em, Sơn đã theo các thanh niên trong xóm lên TP.HCM làm phụ hồ. Sức nhỏ, chịu không nổi, Sơn chuyển qua bán vé số. Không may, một lần nữa tai hoạ lại đến với em: Trong một lần mời phải những tên cướp cạn, Sơn mất sạch hơn 300 ngàn đồng. Không tiền, Sơn tìm đến với nghề bươi rác.
Sau hơn 6 tháng theo nghề, ngoài việc trả được gần 300 đồng tiền nợ đại lý vé số, em còn tiết kiệm được hơn 3,5 triệu đồng. Sơn cho biết: “Rằm này em sẽ về quê thăm ngoại và các em, có thể sẽ ở dưới quê làm vườn, làm ruộng luôn để tiện bề chăm lo việc ăn học cho các em”. Sơn cho biết thêm: “Bằng mọi giá con sẽ lo cho 2 đứa em ăn học đến nơi đến chốn. Con sẽ nói cho mấy đứa em con biết không được đi học sẽ buồn và thiệt thòi như thế nào…”.
Có thể dễ dàng nhận thấy, do vào đời khá sớm nên các em ở đây trông già dặn trước tuổi, nhưng cái hồn nhiên của trẻ thơ vẫn còn trong đôi mắt của các em. Chúng tôi không thể nào quên việc các em vây quanh xin được chụp ảnh. Hỏi ra mới biết từ nhỏ đến giờ hầu hết các em không có tiền để chụp hình. Thế rồi, dù áo quần dơ bẩn, rách bươm khi phải làm quần quật và tiếp xúc suốt ngày với rác, nhưng các em cũng làm kiểu, cũng cười rất tươi và hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Đến trường học - chuyện tưởng như bình thường ở lứa tuổi thiếu niên, nhưng với trẻ em ở những bãi rác, đó là niềm mơ ước lớn mà chưa biết có khi nào đạt được...Đỗ Thông(TNOnline-http://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/Chuyen-cua-nhung-nguoi-song-chung-voi-rac)
***
Rời những bãi rác, các điểm trung chuyển rác, trong cái nắng chiều gay gắt, bỏ lại phía sau những căn lều tạm bợ, những đứa trẻ nghèo khổ, thất học, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi và tự hỏi: Tương lai của các em - Út Mười, Cường, Tân và hàng chục em khác - rồi sẽ về đâu? Có lẽ, đây cũng là bài toán khó đối với những người có trách nhiệm và với cả xã hội.

No comments:

Post a Comment