Monday, September 26, 2011

HÀNH TRÌNH TRÊN ĐẤT PHẬT


Bí mật của một câu kinh Phật
Vừa rồi, chúng tôi, những người bạn chí thân từ thời còn đi học ở Việt Nam trước 1975, rủ nhau qua Canada thăm mấy ông bạn khác. Chúng tôi đến thành phố Montreal vào mùa hè nên không lạnh lắm. Ở Mỹ hay Canada, nhà cửa, cách sinh hoạt không khác nhau mấy. Và việc đi thăm bạn bè thì cũng chẳng có gì đáng kể ra đây nếu không có một câu chuyện, mà nếu bạn nghe được, chắc cũng sẽ ngạc nhiên, đặt nhiều câu hỏi.

Chuyện hơi dài dòng, xin bạn kiên nhẫn.

Chúng tôi gồm ba cặp vợ chồng, được gia đình người bạn tiếp đón rất thân tình. Ông ta còn gọi các bạn khác ở gần đó, kéo đến, nên buổi họp mặt thật đông vui.

Khi bữa cơm gia đình đã mãn, các bà lo dọn dẹp chén bát để pha trà và các ông đang chuyện trò sôi nổi, thì ông bạn chủ nhà đổi đề tài: “Có một chuyện thực, xảy ra ở Việt Nam, khoảng năm 1982. Một chuyện kỳ lạ mà bà chị tôi vừa là người trong cuộc vừa là nhân chứng. Lúc còn ở Việt Nam, chị tôi dấu kín vì sợ đến tai công an thì sẽ bị tra hỏi, có thể bị tù cũng nên. Nay chị tôi đến xứ tự do, sẽ kể thoải mái. Trong câu chuyện, có gì thắc mắc, xin cứ hỏi chị tôi”.

Người chị của chủ nhà, đang ngồi với các bà, được yêu cầu kể chuyện. Chị ta xin phép vài phút để lên lầu, lát sau đi xuống, tay cầm một phong bì đặt trước mặt và bắt đầu kể. Mọi người yên lặng, lắng nghe.

- “Gia đình tôi, sau bảy lăm (1975), chỉ còn đàn bà vì đàn ông đều vô tù cải tạo hết cả. Khoảng năm tám mươi (1980), chúng tôi được móc nối để vượt biên nhưng vẫn phải chờ ít nhất một người đàn ông đi tù cải tạo về mới quyết định được. Năm đó, cậu em tôi được thả về, chúng tôi báo cho người tổ chức, họ bảo, có một chuyến, phải đi ngay. Từ Sài Gòn chúng tôi đón xe về Cà Mau dự đám cưới. Đám cưới thật nhưng ăn cưới chỉ là cái cớ. Dân địa phương thấy người lạ từ Sài Gòn về ăn cưới thì biết ngay, nhưng rình bắt là công việc của công an. Thế nên, ai cũng chờ đợi màn thứ hai là khuya nay, công an sẽ phục ở bãi đáp để tóm gọn quí vị quan khách nầy. Trò nầy xảy ra thường xuyên, nhưng họ không biết rằng vụ vượt biên nầy lại do chính công an địa phương đứng ra tổ chức, nên tối đó quí vị công an với các viên chức xã ấp có nhiệm vụ phải nốc rượu cho thật say, để sáng ra, ai cũng không biết gì cả!

Khuya đó, chúng tôi bị gọi dậy, cấp tốc lên đường. Từ nhà ra biển chỉ vài cây số. Trời quá tối. Chúng tôi âm thầm theo người trước mặt, đi vòng vèo trên các con đường đất. Trong bóng đêm tối đen, thỉnh thoảng, bên đường lại có một toán chui ra nhập bọn, tôi đoán, cả đoàn chúng tôi, ít ra cũng hơn trăm người. Mặc dù đã được dặn trước là khi xuống thuyền phải tuyệt đối yên lặng và trật tự, không được chen lấn cãi cọ, nhưng khi thấy mấy chiếc tắc xi (thuyền nhỏ đưa ra thuyền lớn), người ta ùa nhau lội xuống nước, tranh nhau leo lên thuyền. Cậu em tôi đi trước, tay bồng hai đứa con, vợ nó níu lưng đi sau, tôi níu áo cô ta để khỏi lạc nhau. Chỗ bãi đó toàn sình, ngập đến đầu gối khiến ai nấy bì bõm mãi mà chưa đến thuyền. Cậu em tôi phải kéo hai người đàn bà chúng tôi phía sau nên càng vướng víu, chậm chạp. Mọi người như những bóng ma âm thầm, chen nhau leo lên thuyền.

Khi cậu em tôi bỏ được hai đứa nhỏ lên thuyền, đẩy được vợ nó lên, đến lượt tôi thì bỗng có tiếng súng, tiếng la hét:

- “Tất cả đứng yên! Đưa hai tay lên. Ai bỏ chạy sẽ bị bắn bỏ”.

Tôi thấy ánh đèn pin loang loáng cách chỗ chúng tôi vài trăm thước. Chủ thuyền vội đẩy thuyền ra. Cậu em tôi chỉ kịp níu lấy be thuyền, người vẫn còn ở dưới nước. Tôi và khoảng vài chục người đành đứng nhìn mấy chiếc thuyền lẫn vào bóng tối, mờ dần ngoài biển khơi. Lúc đó tiếng súng và tiếng hô hoán “Đứng yên! Bỏ chạy bắn bỏ” càng như gần hơn khiến mọi người vội chạy ngược về phía bờ. Như đã dặn trước:

- “Khi bị bể, phải chạy tránh xa ánh đèn của công an, trốn cho kỹ, chờ vài hôm, yên tĩnh mới tìm cách ra lộ đón xe về”.

Vậy là mạnh ai nấy chạy. Tôi bương đại lên bờ, chạy ngược hướng tiếng súng. Vừa chạy vừa run, miệng niệm: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát”. Cứ nhắm mắt, nhắm mũi chạy đại, vấp mô đất hay gốc cây té xuống thì vùng dậy chạy tiếp. Lúc đầu hình như có người cùng chạy với tôi, quay lại thì không thấy ai cả! Tôi chạy độ nửa tiếng, thấy đã xa, vừa hoàn hồn thì hai chân rã rời, nhấc không lên. Tôi ngồi đại xuống đất, thở dốc. Lúc đó khoảng một giờ sáng. Tôi nhìn quanh. Một bên là biển đen sì, rì rào tiếng sóng, một bên là bờ rừng, với hàng cây là những khối đen, cao hơn đầu người, trông như những con ác thú đang chờ mồi. Tôi đoán, có lẽ công an rình bắt một vụ vượt biên khác, cách chúng tôi vài ba trăm mét, chủ thuyền tưởng bị bể, nên bỏ chạy, vì thế mọi người mới chạy thoát.

Từ lúc lên xe ở Sài Gòn đến khi về Cà Mau, tôi hoàn toàn không biết mình đang ở đâu? Bây giờ ngồi bơ vơ giữa đồng không mông quạnh, chung quanh tối mù, tôi tự hỏi mình sẽ làm gì, hay phải ngồi như thế nầy cho đến sáng? Lúc nãy, chạy, người toát mồ hôi, bây giờ, gió biển thổi vào, tôi lạnh run cầm cập. Tôi thầm ước cho công an đến bắt mình, có người cùng bị bắt với nhau cũng yên tâm, rồi sau đó muốn ra sao thì ra! Cái xách nhỏ trên vai tôi vẫn còn. Tôi tìm chai nước lạnh, uống mấy ngụm. Trong xách chỉ có vài chai nước lạnh, mấy viên thuốc say sóng, mấy hộp sữa đặc, cái khăn nhỏ, một mớ đô la và vàng cùng quyển kinh Phật. Không hiểu sao, trong lúc hoảng loạn mà tôi còn giữ được cái xách?

Đang ngồi rầu rĩ, bỗng nhiên, tôi thấy từ xa, có ánh đèn thấp thoáng, có lẽ là đèn dầu hôi, loại thường thấy ở thôn quê, cách tôi hơn một cây sốâ. Tôi mừng rỡ, quên cả mệt, đứng lên, nhắm ánh đèn mà đi. Tôi đi như chạy, té lên, té xuống, mà không thấy đau, cứ nhắm ánh đèn bương tới, vì sợ người ta tắt đèn thì không biết làm sao tìm đến. Độ nửa giờ sau, tôi đến nơi. Đó là một nhà lá, cửa mở, một cây đèn bão, (loại đèn để đi trong gió mà không sợ tắt) đặt trên một chiếc ghế nhỏ, để ngay trước cửa, nhờ vậy mà từ hướng bên trái ngôi nhà, tôi vẫn thấy được.

Khi đến trước cửa, tôi kêu lên:

- “Có ai trong nhà không? Cho tôi vào với”.

Có tiếng đàn ông nói lớn:

- “Vào đi! Đừng sợ!”.

Khi bước vô cửa tôi mới nhận ra là có một người đàn ông đang ngồi hút thuốc lào, cạnh một cái bàn để giữa nhà. Người đàn ông đứng lên, ra đem cây đèn bão và chiếc ghế vào. Nghe giọng lơ lớ, với cách dùng chữ, tôi đoán ông ta là người Bắc giả giọng Nam. Tôi bước vào nhà. Nhà không rộng lắm nhưng đặt ba nơi ba chiếc giường rộng, có trải chiếu tươm tất. Ông ta chỉ chiếc ghế:

- “Ngồi đấy đi!”.

Tôi nói cám ơn, vì áo quần dính sình, không dám ngồi, sợ dơ ghế. Ông ta bảo, giọng bình thản như việc nầy đã từng xảy ra nhiều lần:

- “Thế thì đi tắm đi! Tôi có sẵn áo quần của bà xã tôi, thay tạm. Áo quần bẩn thì giặt đi, phơi ra ngoài gió, sáng mai khô ngay, thay trả lại cho tôi, rồi tôi sẽ đưa ra bến xe, đón xe về Sài Gòn”.

Nghe nói sáng mai đón xe về Sài Gòn, tôi mừng quính, không ngờ mình may mắn gặp được cứu tinh. Tôi thấy có cảm tình với người đàn ông tử tế đó, định nói lời cám ơn, nhưng nhìn thấy hai con mắt của ông ta, tôi rùng mình khiếp sợ. Ông ta khoảng năm mươi tuổi, dáng người tầm thước, mặt sạm nắng, hai gò má cao, tóc ngắn, chân tay gân guốc ... nghĩa là ông ta đúng là một nông dân, chỉ đôi mắt là khủng khiếp. Tuy đèn dầu tù mù nhưng đôi mắt vẫn ánh lên những tia sáng lạnh lẽo, vừa uy quyền, tàn nhẫn vừa như giễu cợt. Tôi sợ quá, cảm tưởng như mình là con chuột đã bị con mèo chộp được trong móng vuốt nhưng vẫn giữ đấy chờ con mồi chết khiếp mới từ từ thưởng thức. Thấy tôi đứng bất động vì sợ, ông ta cười, giọng dịu dàng nhưng vẫn uy quyền, như ra lệnh:

- “Tôi không hại cô đâu. Cô đừng sợ. Tôi nghe tiếng súng nổ là biết ngay vượt biên bị bể nên thắp đèn lên để ai chạy thoát thì đến đây tá túc, sáng mai tôi lấy thuyền đưa ra bến xe về nhà. Tôi đã cứu hàng mấy trăm người rồi. Ai cũng về nhà an toàn. Đừng sợ. Để tôi lấy áo quần cho cô thay tạm. Hôm nay vợ tôi ra chợ thăm đứa con gái, sáng mai, tôi đưa đi, nhân tiện đón vợ tôi về. Đói bụng thì có cơm nguội trong nồi với con cá khô trong bếp, lấy ra mà ăn”.

Ông ta nói nhỏ nhẹ, từ tốn nhưng tôi vẫn sợ, răm rắp theo lệnh. Ông ta vào buồng đem ra một bộ đồ đàn bà màu đen, trao cho tôi rồi thắp một cây đèn cầy, chỉ lối đi ra sau chái nhà:

- “Có cái phòng tắm sau kia. Sẵn nước với khăn lau. Tắm xong, mặc tạm, còn bộ đồ bẩn thì giặt đi, phơi lên, sáng mai khô, mặc vào, trả lại bộ đồ cho vợ tôi”.

Tôi riu ríu cầm áo quần và cây đèn cầy, ra nhà sau, vào phòng tắm, đóng cửa lại, gắn cây đèn sáp lên bệ, xây lưng về phía đèn, cởi đồ ra, dội nước. Tôi làm một cách vô thức, như bị thôi miên bởi cặp mắt của ông ta, tôi đoán, đang nhìn tôi qua khe hở của vách phòng. Tôi tắm qua loa, mặc áo quần vào. Còn nửa thùng nước, tôi đổ ra cái thau nhỏ sẵn đó, vò bộ đồ dính sình rồi treo lên một sợi dây kẽm trong phòng tắm. Khi tôi lên nhà trên thì ông ta chỉ cái giường, có giăng sẵn mùng:

- “Cô ngủ trên giường nầy. Tôi ngủ trong phòng. Ngủ đi cho khỏe, đừng sợ mà thao thức. Mai đi sớm”.

Tôi nói:

- “Dạ. Cám ơn!” rồi chui vô mùng. Ông ta tắt đèn, đi vào buồng.

Tôi nằm trên giường, mắt mở thao láo, không dám ngủ. Có chiếc mền mỏng, tôi lấy quấn chặt quanh người rồi nằm lắng nghe, không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi chỉ mong được ông ta tịch thu hết số đô la và vàng tôi mang theo rồi tha cho tôi về nhà. Tôi cứ lẩm nhẩm niệm Quán Thế Âm, cầu Phật Bà cứu khổ cứu nạn. Trong đêm tối, tất cả im lặng, chỉ có tiếng sóng biển rì rầm nghe như tiếng xe chạy rất xa. Bấy giờ tôi mới thấy người rã rời, vừa mỏi vừa đau ê ẩm khắp nơi, nhất là những chỗ bị mô đất hay gốc cây đập mạnh vào khi tôi chạy bị ngã. Suy nghĩ miên man, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng. Vừa xếp mùng, mền xong thì ông ta từ trong buồng bước ra.

- “Ngủ có được không?”.

- “Dạ. Đi mệt quá nên ngủ say một giấc đến sáng”.

Tôi nói mà không dám nhìn ông ta, sợ thấy đôi mắt kinh khiếp đó.

- “Cô thay đồ rồi chúng ta đi ngay. Tôi chở cô ra bến xe ngoài chợ, họ sẽ đưa cô lên bến xe tỉnh, đón xe về Sài Gòn. Cô viết vào miếng giấy trên bàn kia, tên họ địa chỉ của cô. Tôi cần biết về cô để sau nầy dễ xác nhận”.

Tôi ra sau nhà, thay đồ, đem bộ đồ của vợ ông ta để trên giường, đến chỗ cái bàn, viết tên họ, địa chỉ vào miếng giấy. Ông ta chỉ cái xách nhỏ của tôi “Đừng quên cái xách tay”. Tôi thấy quyển kinh của tôi để ra ngoài nhưng không dám lấy bỏ vào xách, mà làm như không thấy, chỉ vơ vội cái xách, cầm đi theo ông ta. Ra ngoài sân, tôi mới biết, trước nhà là một con sông rất rộng, có lẽ là cửa sông, còn biển thì nằm bên trái căn nhà, cách một cây số. Nhà ông ta nằm giữa một vùng hoàn toàn hoang vắng, chung quanh là sình lầy với cây đước, vẹt, sú gì đó mọc mênh mông, chạy đến mút mắt. Tôi không hiểu vì sao vợ chồng ông ta lại đem nhau ra ở chỗ nầy? Không ruộng vườn, không thuyền bè đánh cá, không có người chung quanh, ngay đến con chim cũng không thấy bay qua. Có chăng là mấy con cua còng gì đó nằm trên mặt sình dương mắt nhìn tôi. Con đường từ nhà ra bến sông được đắp cao, có lẽ là lối duy nhất đưa ông ta ra chiếc thuyền, đến với xã hội loài người.

Ông ta xuống thuyền, tôi bước theo. Nhờ mấy miếng bê tông làm thành tam cấp nên tôi xuống thuyền không khó khăn lắm. Chiếc thuyền nhỏ, dài khoảng sáu, bảy mét, rộng hơn hai mét, gắn máy đuôi tôm. Ông ta tháo dây cột thuyền, giật máy, đưa thuyền ra giữa giòng sông.

Chiếc thuyền chạy giữa hai bờ rừng vắng vẻ, hoang vu. Một lúc thật lâu thì xa xa thấp thoáng mấy mái nhà sau hàng dừa nước, rồi vài chiếc thuyền xuất hiện, chạy ngược chiều. Thuyền ghé vào một bến đò, có nhà cửa, quán ăn, một chợ thôn quê nhỏ và một bến xe lam (xe Lambretta, ba bánh dùng chở khách). Ông ta cột chuyền, ra dấu cho tôi cùng lên bờ. Mọi người thấy ông ta thì cúi đầu chào vẻ kính cẩn và sợ hãi. Ông ta không thèm nhìn ai, đi thẳng đến chiếc xe lam, nói gì đấy với người chủ xe. Người chủ xe khúm núm gật đầu, miệng dạ nhịp, rồi đến nói với tôi:

- “Mời cô lên xe. Xe chạy ngay bây giờ”.

Ông ân nhân không để ý đến lời cám ơn của tôi, cũng không nói với ai tiếng nào, xuống thuyền, giật máy, quay thuyền ra giữa giòng. Khi ngồi trong xe lam, tôi thấy mọi người đang tò mò nhìn tôi với vẻ sợ hãi rồi thì thầm với nhau gì đấy. Ông xe lam nổ máy, chở một mình tôi, vòng vèo trên đường đất trong xóm rồi đưa xe ra đường lớn, chạy vào thành phố. Ông ta chạy thẳng đến bến xe khách, ngừng cạnh một xe đầy khách, mời tôi xuống, đưa tôi đến ông tài xế, thì thầm với ông ta. Ông tài xế mời tôi lên ngồi ghế trước. Tôi lục trong xách nhỏ, thấy gói đô la và vàng còn nguyên, lấy ra một mớ tiền Việt đưa trả cho hai người, nhưng ai cũng khoát tay.

- “Anh Năm dặn rõ là ảnh sẽ trả tiền xe cho cô, chúng tôi đâu dám nhận”.

Chiều hôm đó, tôi về đến nhà.

Khoảng một tháng sau, người tổ chức đến gặp tôi, báo tin là mọi người đến đảo an toàn, thân nhân sẽ gửi thư sau. Ông ta hỏi tôi rất tỉ mỉ về vụ những người không kịp lên thuyền, tôi kể lại sự việc. Ông ta bảo những người kẹt lại đã bị công an bắt, chỉ thiếu hai gia đình, gồm bốn người, không có tin tức. Hai gia đình nầy thì tôi biết, họ là thương gia xuất nhập cảng trước bảy lăm, rất giàu. Trước khi đi, họ đã bán nhà, vì tin chắc sẽ đi lọt, như vậy, họ ôm của cải theo (vàng và đô la), phải nhiều lắm.

Chuyến vượt biển lần đó khiến tôi sợ quá, không dám nghĩ đến, ai rủ đi cũng lắc đầu.

Khoảng một năm sau, tôi nhận được một lá thư, tên người gửi lạ hoắc. Tôi hoàn toàn không biết ai đã gửi đến.

Chị ta cầm lá thư đưa lên “Mấy năm sau, chồng tôi đi tù về. Chúng tôi qua Mỹ theo diện HO. Vợ chồng tôi qua Canada ở chơi với gia đình cậu em. Gần mười năm mà tôi vẫn còn giữ lá thư nầy. Để tôi đọc cho quí vị nghe:

- “Gửi bà H. (là tên tôi). Bà còn nhớ, lần vượt biển ở Cà Mau, bị bể và bà được tôi cho trọ qua đêm, hôm sau đưa ra bến xe, về thành phố Hồ Chí Minh. Tôi biết bà thắc mắc. Tôi là ai? Tại sao lại ở nơi vắng vẻ? Tôi sinh sống bằng cách nào?

Tôi cho bà rõ. Tôi là công an, có nhiệm vụ ở đó để đón lỏng những người vượt biên bị bể chạy thoát được. Công an chúng tôi làm nhà cách nhau một vài cây số, dọc bờ biển, nơi thường có bến bãi vượt biên, có thuyền con đón ra thuyền lớn. Như vậy, khi công an đến bắt vượt biên, người nào chạy thoát cũng chỉ quanh quẩn đâu đấy, thấy đèn là tìm đến, thế là nộp mạng cho chúng tôi. Tôi bảo rằng có vợ ở chung nhưng thật ra, vợ con tôi đều ở ngoài Bắc, tôi vào đây công tác đã được bốn năm, khi nào ổn định sẽ đưa gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh, vì chẳng ai có thể ở nơi hoang vắng nầy.

Mỗi công an chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các tiện nghi, nước nôi, lương thực, giường chiếu để đón những người vượt biên tìm đến nhờ cứu giúp. Tôi cho ăn uống, ngủ lại, sáng hôm sau, cho họ xuống thuyền, nói là chở ra bến xe để họ về nhà, nhưng kỳ thực, thuyền đi được nửa đường là bị công an chận bắt. Tôi cũng bị bắt để không ai nghi ngờ.

Thông thường, nếu nhiều người tìm đến thì tôi bảo họ, có gì đem theo nên kê rõ, nhất là tiền bạc, quí kim, để tránh chuyện lấy cắp của nhau. Nếu chỉ một người thì tôi chờ lúc người đó đi tắm sẽ lục xách tay, kiểm tra những gì đem theo. Tôi còn rình nhìn lúc họ đi tắm, cởi đồ ra, sẽ thấy những gì họ lận theo người?

Tôi không bao giờ lấy của ai bất cứ gì, nên khi giải giao họ (đưa lên thuyền để bị công an chận bắt), công an chấp pháp lấy lời khai, sẽ thấy rằng tôi rất trong sạch. Tôi từng được công an tỉnh và trung ương biểu dương nhiều lần về thành tích chận bắt người vượt biên cũng như tinh thần chí công vô tư, không tơ hào đến của cải, vật chất của người bị bắt. Nhưng không ai biết rằng, hễ người nào đem nhiều đô la, vàng ngọc, hột xoàn là tôi thủ tiêu, chôn xác trong rừng. Tôi đào sẵn những cái hố, muốn giết ai, khuya đó, tôi lận súng trong người, bảo họ đi theo tôi để tôi chỉ đường mà đi ra đường chính đón xe về. Vào rừng, tôi bắn chết, đạp xuống hố, hôm sau ra lấp đất lại. Không người nào thoát khỏi tay tôi, vì chung quanh toàn sình lầy, có bỏ chạy một quãng là ngập người dưới sình, tôi chỉ rọi đèn pin, đi tìm và bắn họ rất dễ dàng.

Tôi có nói bao nhiêu người bị tôi thủ tiêu với bà cũng chỉ làm bà kinh hoàng chứ chẳng ích lợi gì. Tất cả của cải cướp được, tôi đưa cho vợ tôi đem về quê chôn giấu. Hột xoàn, đô la, vàng ngọc, châu báu ... Nghĩa là vợ chồng tôi rất giàu. Vợ tôi bảo, có thể bỏ vốn lập những công ty, mua máy móc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc mua nhà cửa ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh cũng không hết của. Dĩ nhiên gia đình tôi ngoài Bắc vẫn sống đạm bạc như bao nhiêu người khác, để tránh bị nghi ngờ.

Tôi dự định sẽ làm thêm vài năm, kiếm một số tiền vàng nữa rồi xin ra khỏi ngành.

Tính ra, tôi ở đó đã được bốn năm, cho đến cái đêm bà tìm đến nạp mạng cho tôi.

Như mọi khi, lúc bà đi tắm, tôi rình xem bà cởi đồ (để biết của cải lận theo người) rồi lên kiểm tra xách tay của bà. Tôi thấy trong xách có nhiều vàng và đô la. Như vậy, số phận của bà đã được tôi quyết định. Bà sẽ bị tôi thủ tiêu. Trong lúc lục xét xách tay tôi thấy có một quyển kinh, khổ lớn hơn những quyển kinh khác, mà những người vượt biên khác thường đem theo. Quyển kinh lớn đó khiến tôi tò mò. Theo thông lệ, tất cả kinh Phật của những người vượt biên, tôi giữ lại, khi nào lên tỉnh, tôi tặng cho người bạn đang trụ trì một ngôi chùa lớn, gần chợ. Anh ta là công an, đi tu là công tác, vẫn lãnh lương công an. Tôi tặng các quyển kinh Phật cho chùa để ai đến lễ chùa mà “thỉnh” những kinh đó thì biết ngay, người đó sẽ vượt biên và chúng tôi theo dõi. Vì tò mò và vì nghiệp vụ, tôi mở quyển kinh của bà ra, để sát ngọn đèn cho dễ đọc. Tôi đọc một cách tình cờ, một câu kinh nằm ngay giữa trang kinh. Chỉ một câu thôi. Câu duy nhất đó khiến tôi lạnh toát người vì kinh sợ. Tôi sợ đến choáng váng, muốn té xỉu, đến độ ngồi chết lặng một lúc thật lâu. Tối đó, tôi không ngủ được .


Hiện nay tôi đã ra khỏi ngành công an. Tôi đã đi tu ở một vùng núi miền Tây Nguyên, rất hẻo lánh, xa hẳn phố phường, làng xóm. Ngôi chùa nhỏ được cất bên góc núi. Rất xa, dưới chân núi, cách nơi tôi ở, thấp thoáng những nhà sàn của những người thuộc sắc tộc thiểu số. Mỗi buổi sáng, tôi lạy Phật, tụng kinh, rồi lên đồi cuốc đất, trồng khoai sắn, rau quả. Buổi tối tôi lại tụng kinh và suy ngẫm lời Phật dạy. Tôi bảo với vợ tôi là tôi làm nhiệm vụ trên giao, không nên gặp nhau nhiều, thỉnh thoảng lên tiếp tế lương thực mà thôi. Của cải mà tôi kiếm được (vợ tôi đang giữ), tôi dặn, nên trích ra một phần, khi nào có thiên tai bão lụt thì đem cứu giúp người hoạn nạn, giúp bà con, bạn bè khi họ cần, giúp các người già lão, bịnh tật, không nơi nương tựa, giúp các trại mồ côi, các trại cùi hủi ...

Tôi viết để bà rõ, nay tôi đã chọn con đường khác. Tôi chỉ muốn biến mất trên thế gian, nhưng còn các con tôi? Chúng là nguồn sống của tôi. Tôi lo sợ cho chúng ...

Nếu bà là một Phật tử, xin bà đến chùa, cùng góp lời cầu xin Phật Tổ cho tôi sớm tìm được con đường giải thoát.

Chúc bà sức khỏe.”.

Chị đàn bà giơ lá thư lên và nói:

- “Thư chỉ viết thế thôi”.

Chúng tôi hỏi:

- “Chị có nhớ mình mang theo quyển kinh Phật tên gì không?”.

- “Đúng ra, lúc nào tôi cũng để sẵn quyển kinh “Quán Thế Âm Bồ Tát” trên bàn thờ, hễ hô “đi!” là tôi chỉ việc bỏ vô xách tay và lên đường. Hôm đó, cô em dâu tôi đây, lại lấy quyển kinh đó trước, tôi vội quá, mở tủ kinh Phật của ba tôi để gần đó, vơ đại một quyển, nghĩ rằng “Phật nào cũng là Phật, vị nào cũng phù hộ, độ trì cho chúng sinh tai qua nạn khỏi”. Ba tôi, khi còn sinh thời, tu tại gia, nghiên cứu kinh Phật. Ngoài chữ Việt, ông cụ còn biết chữ Hán, chữ Nôm nên thỉnh rất nhiều kinh về nghiên cứu. Thế nên, đến bây giờ tôi cũng không biết mình đã mang theo quyển kinh nào khi vượt biên. Điều tôi tin chắc rằng. Chính quyển kinh đó đã cứu mạng tôi và câu kinh trong đó, như một lời phán của Đức Phật hoặc đấng Hộ Pháp, bảo thẳng với kẻ ác hãy ngừng tay lại. Lời phán đó phải có uy lực mạnh mẽ đến nỗi một kẻ giết người phải khiếp đảm”.

Trong bọn chúng tôi, chẳng ai là đệ tử nhà Phật mặc dầu, thỉnh thoảng có đi chùa lạy Phật, tụng kinh trong những ngày lễ, tết. Chúng tôi hỏi nhau rồi phán đoán đủ thứ. Câu “buông đao thành Phật” quá tầm thường, chẳng làm ai động tâm. Muốn biết bí mật của câu kinh đó, chỉ còn cách đi hỏi các nhà sư thì họa may.

Vì bị câu chuyện trên ám ảnh, nên trên đường từ Canada về lại miền Đông Bắc nước Mỹ, chúng tôi quyết định, ghé vào một ngôi chùa của sư PT để thăm và hỏi cho ra lẽ. Sư trạc tuổi chúng tôi, là chỗ quen biết nên rất thân tình. Sư PT xuất gia từ lúc mười một tuổi tại chùa Diệu Đế ở Huế. Vượt biên qua Mỹ, sư học và tốt nghiệp tiến sĩ Phật học. Tuy còn trẻ, nhưng sư PT thông hiểu Phật pháp và có một cuộc sống rất đạo hạnh.

Trưa hôm đó, chúng tôi được sư khoản đãi cơm chay. Trong lúc thọ trai, chúng tôi kể lại câu chuyện trên cho sư nghe và hỏi sư có biết câu kinh nào đã khiến một người vô thần phải buông đao giết người và đi tu không? Nhà sư suy nghĩ một lúc và nói:

- “Nếu lý luận theo Phật pháp thuần túy ở đây thì không thích hợp với một người cộng sản. Họ đã được dạy căm thù và được huấn luyện cách giết người, nên dù có cả một bầy quỉ dữ từ địa ngục chui lên, hay hàng nghìn Đức Phật hiện ra thuyết pháp, chưa chắc ông công an nầy phải sợ mà ngưng tay. Ông ta chẳng thù hận gì những người vượt biên, nhưng giết họ để cướp của, ông ta làm thản nhiên như người đồ tể giết heo, giết bò. Mục đích là để có nhiều tiền của cho con cái được sung sướng. Cán bộ cộng sản thường bảo nhau:

- “Hi sinh đời bố, cũng cố đời con” là thế. Kinh Phật chỉ nói về cái nghiệp và cái quả. Ai làm nấy chịu. Nhưng người Việt mình lại có câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Cha mẹ thương con cháu thì ăn ở nhân đức, để phước cho chúng. Con cháu, nhớ ơn đó mà thờ phụng các vị một cách thành tâm. Đó là “Đạo Thờ Ông Bà”. Ông công an cộng sản nầy thì làm ngược lại, nên ông ta bị ám ảnh bởi việc ác của mình, “quả báo nhãn tiền”, con cháu sẽ lãnh đủ. Có thể, con cái ông ta bị đâm chém hay bị giết chóc sao đó, khiến ông ta nghĩ rằng “Mình giết người ta thì con mình bị người ta giết” nên ông ta sợ. “Nhưng Phật đâu có dạy về chuyện quả báo cho đời con cháu mà ông ta, khi đọc một câu nào đó trong kinh Phật lại sợ hãi đến nỗi phải bỏ nghề, đi tu?”.

“Đa số những người vượt biên đều đem theo người là kinh A Di Đà hoặc Bạch Y Thần Chú, coi như có Thần Phật hộ trì bên cạnh. Khi gặp chuyện hiểm nguy thì niệm “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát” chỉ đọc tới đọc lui câu đó thôi, coi như tiếng kêu cứu, các vị Bồ Tát sẽ ra tay tế độ, giúp cho tai qua nạn khỏi. Những quyển kinh mà ông ta tịch thu, không nhất thiết đều giống nhau. Có thể người đàn bà kia đã mang một quyển kinh khác. Hơn nữa ở một nơi hoàn toàn vắng vẻ, không có gì giải trí ngoài việc đọc các quyển kinh Phật, quả thật, ông ta đang bước về hướng của giải thoát. Chính cái ý niệm muốn giải thoát khiến ông ta bỏ nghề, và câu kinh Phật kia chỉ như vật xúc tác, như cái nút điện mà ông ta đang mò mẫm trong bóng tối, đã bật sáng, cho ông ta thấy được con đường phải đi. Mỗi người là Phật chưa thành là vậy. Con người dù độc ác, mê muội đến đâu, cũng còn le lói một chút ánh sáng của lương tri. Đúng ra, phải gọi ông ta là “ông đạo” chứ không phải là “ông sư”. Vì ngoài việc nghiên cứu, tụng niệm kinh Phật, sư, sãi phải có thầy giảng giải, hướng dẫn trên đường tu tập. “Giả dụ như ông công an đó đến xin thọ giáo với thầy. Thầy sẽ giảng những gì cho một người vô thần như ông ta hiểu về Phật pháp?”.

Nhà sư cười:

- “Thoát được “tham, sân, si” là tự giải thoát rồi.

Chính tôi phải học ông ta, làm cách nào đã bỏ được chữ “tham”? Chữ “tham” đơn giản, thường tình thôi, không cần phải triết lý xa vời. Tiền của vô tay dồi dào, dễ dàng như vậy mà lại bỏ hết, mấy ai làm được?

Còn hai chữ “sân, si”, bản thân tôi như đang nằm trong cái rọ, không biết bao giờ mới thoát ra! Ông ta là thầy tôi mới đúng”.

- “Thầy có thể đoán được câu kinh nào nằm trong quyển kinh nào, đã khiến ông ta phải sợ mà đi tu không?”.

Nhà sư lắc đầu:

- “Chỉ riêng ông ta biết được mà thôi. Có thể chỉ một câu tình cờ, bình thường nào đó ông ta đọc được nhưng giải thích đúng những băn khoăn, thắc mắc, sợ hãi bấy lâu của ông ta, nó đánh động lương tâm ông ta, hướng dẫn ông ta tìm con đường giải thoát. Xưa kia, lục tổ Huệ năng chỉ nghe một câu trong kinh Kim Cang liền ngộ được đạo”.

- “Nhưng nhất định phải có một câu kinh nào đó. Thầy thử nhớ xem sao?”.

Nhà sư lắc đầu:

- “Bị hỏi thình lình, tôi không nhớ ra ngay. Hay là thế nầy. Bây giờ mời quí vị ra vườn sau chùa uống trà, ngắm hoa. Tôi xin được ít phút tập trung tư tưởng, họa may sẽ nhớ được điều gì chăng? Mục đích không phải tìm hiểu mà chỉ như trò chuyện cho vui vậy thôi. Tôi không đủ trình độ để giải thích câu chuyện kỳ lạ nầy”.

Nhà sư lên chánh điện. Chúng tôi ra sau chùa, vừa chuyện trò vừa lang thang ngắm hoa cảnh.

Có tiếng chuông ngân vang từ chánh điện, rồi tất cả yên lặng. Có lẽ nhà sư đang lễ Phật và trầm tư ...

Độ một giờ sau, nhà sư xuất hiện ở ngưỡng cửa với nụ cười. Sư tiến đến, ngồi xuống với chúng tôi ở một bàn nhỏ dưới gốc cây. Chúng tôi vội hỏi:

- “Tìm được câu kinh nào chưa thầy?”.

Sư lắc đầu và cười:

- “Kinh Phật chẳng có câu nào hăm dọa người ta, bắt người ta phải đi tu cả! Để nói về cái nghiệp báo thì kinh Thủy Sám Pháp có nói nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ chính xác được vài câu ở các quyển kinh khác, chẳng hạn, trong kinh Đề Bà Đạt Ma (Devadata-suta) có câu:

- “Những việc ác mà ngươi đã phạm, không phải là tại cha ngươi, không phải tại mẹ ngươi, không phải tại thầy, chủ ngươi. Chính một mình ngươi đã phạm, và một mình ngươi phải chịu quả báo”.

Trong kinh Pháp Cú (Damma-pada) cũng có câu:

- “Dẫu rằng ngươi chạy lên trời cao, ẩn dưới biển sâu, trốn trong núi thẳm, không có nơi nào mà ngươi tránh khỏi cái quả ghê gớm về tội ác của ngươi”...

Nói xong nhà sư lộ vẻ bối rối.)

- “Rất tiếc, vì sự vô minh của tôi mà câu kinh đó vẫn còn là một bí ẩn. Xin lỗi đã làm quí vị thất vọng. Theo tôi nghĩ, sự thống hối của ông ta quá thành khẩn, đã cảm động đến đức Phật, và Ngài đã ra tay tế độ, đã khai ngộ cho ông ta.

Nhưng phải là người thật thành khẩn thì đức Phật mới làm được việc đó”.

Phạm Thành Châu


http://vnthuquan.net/diendan/upfiles/2452/9F38F91D0CAE4942ACBD044F13C127A0.jpg




Chua Viet Nam tren dat Phat
Việt Nam Phật Quốc tự - Ảnh: H.N.C
Xứ Phật trải rộng từ Nêpal qua 2 bang Uttar Pradesh và Bihar phía bắc Ấn Độ. Thời Phật giáo hưng thịnh, dân chúng ở đây đều là phật tử. Nay trải qua bao cuộc chiến tranh rồi bị người nước ngoài xâm chiếm, Phật giáo suy tàn, tăng chúng bị tiêu diệt, đền đài, chùa chiền bị đốt phá.
Trường đại học Nalanda là trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới ra đời cách đây trên 2.000 năm, giảng dạy các môn: Phật học, Thiên văn, Thần học, Luận lý, Y học..., thu hút sinh viên không chỉ của Ấn Độ mà còn nhiều nơi khác đến, kể cả từ Trung Quốc.
Đã có 13 học viên người Trung Quốc và Triều Tiên theo học tại trường này, trong đó có hai thầy Pháp Hiển và Huyền Trang từng đến đây nghiên cứu, học tập và được ở lại giảng dạy một thời gian dài. Nơi đây chứa toàn bộ kinh Phật và các sách vở quan trọng về y học, thiên văn, luận lý... Rồi giặc đến, trường bị đốt cháy, cháy suốt trong ba tháng trời mới dứt. Cả một kho tàng khổng lồ tri thức cổ đại của Ấn Độ và của thế giới biến thành tro.
Chua Viet Nam tren dat Phat
Tác giả trước Bồ Đề Đạo Tràng
Ngày nay, phần lớn dân chúng ở trong xứ Phật là người theo đạo Hindu và đạo Hồi. Các thánh tích bị bỏ hoang phế nếu như không có những người con của Phật từ khắp bốn phương trời lần lượt tụ về xây chùa, truyền đạo và ra sức bồi bổ. Trong sự trở về đó có sự đóng góp không nhỏ của các phật tử Việt Nam, đến từ Việt Nam và đến từ nhiều nước trên thế giới.
Đầu tiên là thầy Huyền Diệu đến từ nước Pháp. Năm 1987, thầy về Bồ Đề Đạo Tràng (Bohgaya) là nơi có cây bồ đề mà Phật Thích Ca ngồi thiền định 49 ngày rồi thành chính quả để xây ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự đầu tiên tại đây. Chùa nằm trên một khoảnh đất rộng giữa cánh đồng thoáng đãng vào lúc thầy khởi công, nay thì chùa đã khánh thành và xung quanh khoảnh đất chen kín các công trình khác.
Chùa có cổng tam quan, có chính điện với mái ngói cong mềm mại theo như mô-tuýp của các ngôi chùa Việt Nam. Các trướng đối trong chùa, thầy Huyền Diệu không dùng chữ Nho mà dùng chữ Quốc ngữ để ai cũng có thể đọc được.
Tại vùng Bohgaya, hiện chen cánh cùng các chùa quốc tế từ khắp nơi trên thế giới có đến 4 ngôi chùa Việt Nam. Đó là Việt Nam Phật Quốc tự của thầy Huyền Diệu, chùa Độ Sanh của một nhà tu Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của một nhà tu Đức gốc Việt và Tịnh xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên đến từ Vũng Tàu.
Tôi gặp thầy Thích Giác Viên tại Trung tâm Thiền quốc tế gần Bohgaya và nghe thầy kể chuyện. Năm 2004, thầy qua đây hành hương rồi đi thăm dân tình xung quanh thấy người dân còn quá nghèo khổ, Phật tử hầu như không có ai, chỉ có vài sư tăng người Ấn thì sống ẩn dật không có chùa chiền để tu hành và phát huy đạo pháp. Thầy quá đau lòng, vào lạy dưới gốc bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng mà phát nguyện sẽ qua đây thường xuyên, mỗi lần 6 tháng để làm công quả.
Từ đó, thầy thường qua lại, đi về các làng nghèo giúp đỡ người dân, giúp họ khoan giếng, đắp đường, xây trường cho trẻ em đi học... Dần dà chính quyền địa phương cấp cho thầy một miếng đất để thầy xây một tịnh xá. Đó là Tịnh xá Kỳ Hoàn. Có tịnh xá rồi thầy tiếp tục giúp đỡ và vận động dân làng quy y đạo Phật. Thầy cho biết đến nay đã có được 12 làng theo về với đạo Phật.
Chua Viet Nam tren dat Phat
Trong khuôn viên Trường đại học Nalanda, ra đời cách đây hơn 2.000 năm
Vào năm 1993, lúc Việt Nam Phật Quốc tự ở Bohgaya vẫn còn đang dang dở, thì thầy Huyền Diệu được học trò đến rước bay qua Nêpal ra mắt quốc vương xứ này. Tại đây thầy được nhà vua cho máy bay riêng chở đi đến vùng Lâm Tỳ Ni là nơi Đức Phật đản sinh chọn đất để xây chùa. Việt Nam Phật Quốc tự thứ hai ra đời và là chùa quốc tế đầu tiên được xây dựng tại thánh tích Lâm Tỳ Ni.
Lâm Tỳ Ni thời đó còn hoang sơ vắng vẻ, nghĩ rằng chỉ một ngôi chùa Việt Nam "không đủ làm nên mùa xuân", thầy Huyền Diệu nghĩ đến việc vận động các giáo hội Phật giáo từ nhiều quốc gia khác đến xây chùa để Lâm Tỳ Ni nhanh chóng phát triển lên đúng với tầm cỡ là khu thánh tích của một tôn giáo lớn. Thầy Huyền Diệu với tư cách Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới đã đi khắp nơi vận động. Rồi ước nguyện lẫn công sức của thầy đã được đền đáp. Tính đến nay đã có 22 ngôi chùa quốc tế khác mọc lên tại đây góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của Phật tích Lâm Tỳ Ni.
Ở nơi đức Phật nhập diệt, tôi đã đến thăm chùa Linh Sơn của ni cô Trí Thuận (quốc tịch Mỹ). Ngay trong khuôn viên chùa là một ngôi trường tiểu học khá khang trang. Học sinh mặt đồng phục sạch đẹp, đang trong giờ chơi chạy nhảy khắp sân chùa nhưng rất ngoan ngoãn, không hề quậy phá. Qua tìm hiểu tôi biết được trường do nhà chùa xây nên, thầy cô được mời về dạy theo chương trình giáo dục của Ấn Độ, học sinh được học miễn phí.
Ở Vaishali, nơi Phật cho bà Kiều Đàm là dì của mình cùng 500 cung nữ quy y, thì có chùa Kiều Đàm Di do ni cô Khiết Minh ở Q.4, TP.HCM sang xây dựng. Đây phải nói là ngôi chùa Việt Nam quy mô lớn và xinh đẹp nhất được xây dựng ở Ấn Độ. Chùa còn đang trong quá trình thi công khi tôi ghé sang đây.
Chua Viet Nam tren dat Phat
Trẻ em được học hành trong khuôn viên chùa Linh Sơn - Ảnh: H.N.C
Lúc đó đã hơn 9 giờ tối, công trường xây dựng được thắp điện cao áp sáng trưng, thợ đang thi công tất bật. Ni cô Khiết Minh kể: “Lúc quyết định qua đây xây chùa tôi chỉ có 10 ngàn đô la, nay chùa làm được quá nửa rồi và đã tốn đến 600.000 đô la”. Tôi hỏi khi hoàn tất thì hết tất cả bao nhiêu, ni cô nói khoảng trên dưới 1 triệu đô la. Đó là tiền cúng dường của thập phương Phật tử từ trên khắp thế giới.
Cùng với việc xây chùa, các tu sĩ Việt Nam còn tích cực tham gia vào các hoạt động giúp đỡ người địa phương. Ni cô Khiết Minh thường xuyên giúp đỡ cho trẻ con trong làng về chuyện học hành. Thầy Giác Viên giúp dân làng đào giếng, xây trường học, mời thầy về dạy cho các em. Ni cô Trí Thuận xây trường học ngay trong khuôn viên chùa.
Thầy Huyền Diệu thì vận động xây cho dân làng ở Lâm Tỳ Ni một cây cầu bắc qua sông. Thầy kể cầu chỉ xây tốn chừng 35.000 USD, thế mà Phật tử khắp thế giới gửi về ủng hộ đến hơn 90.000 USD. Tiền dư thầy phải gửi trả lại cho từng người. Thầy còn vận động người dân quanh vùng bảo vệ chim hạc là giống chim quý hiếm ghi vào Sách đỏ. Nhờ vậy mà hồng hạc Himalaya về khu vực Lâm Tỳ Ni ngày càng nhiều, đến nay đã được gần 70 con.
Vùng đất Phật có thời tiết khá khắc nghiệt, mùa lạnh xuống đến dưới 10 độ, mùa nóng thì có nơi lên đến 56 độ. Đời sống thì khó khăn, thiếu thốn nhiều bề. Thế nhưng tôi gặp rất nhiều người Việt Nam đến đây: hành hương, tham quan vài ngày, làm công quả vài tháng, hoặc ở lại hẳn để truyền đạo, xây chùa...
http://vnthuquan.net/diendan/upfiles/2452/9F38F91D0CAE4942ACBD044F13C127A0.jpgXung quanh cây bồ đề linh thiêng
Hằng ngày có hàng trăm tăng ni, hàng nghìn Phật tử từ nhiều quốc gia trên thế giới hành hương đến đây. Người thì tụng kinh, niệm Phật, người thì thiền tọa, người thì lạy Phật, sám hối... Trong khi đó, hàng chục triệu người khác ước ao một lần trong đời được đặt chân đến địa chỉ này (mà rất nhiều người không thể thực hiện được). Đó chính là Thánh địa Bodh Gaya (tiếng Việt gọi là Bồ Đề Đạo Tràng) ở Ấn Độ, nơi ngày xưa Đức Phật Thích Ca đã tu hành và đắc đạo.
Đầu xuân mới Canh Dần 2010, tôi đã được may mắn đến thăm nơi này và được nghe, được thấy nhiều điều thú vị tại đây.

Cây bồ đề linh thiêng nơi Đức Phật tu hành và đắc đạo.
Bốt Ga-y-a (Bodh Gaya) nằm trên bờ sông Falgu. Nơi đây xưa kia là một ngôi làng nhỏ gọi là làng Sambodhi với nhiều rừng rậm. Nay Bốt Ga-y-a thuộc bang Bihar, Bắc Ấn Độ. Bốt Ga-y-a được coi là nơi Đức Phật thành đạo và được mệnh danh là “cái rốn của vũ trụ”. Đối với Phật giáo, Bốt Ga-y-a là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời của Phật Thích-ca Mâu-ni (người Việt Nam quen gọi là Đức Phật Thích Ca). Theo truyền thuyết Phật giáo, vào khoảng 500 năm trước Công nguyên, Hoàng tử Gautama Siddhartha (Thích-ca Mâu-ni) đã đi khất thực và đã đến bờ sông Falgu. Tại đây, Ngài đã ngồi dưới bóng cây bồ đề suốt 3 ngày, 3 đêm và đã đạt được giác ngộ, thành chính quả. 7 tuần sau đó, Ngài tới Sarnath và bắt đầu giảng dạy về Phật giáo.
Trước khi đến Bốt Ga-y-a, tại Niu Đê-li, Thủ đô của Ấn Độ, chúng tôi đã được nghe Thiền sư Thích Huyền Diệu, người Việt Nam, trụ trì ngôi chùa mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự ở gần cây bồ đề nơi Thích-ca Mâu-ni đắc đạo, giới thiệu về lịch sử của cây linh thiêng này. Thế nhưng, khi đến nơi, chúng tôi vẫn thấy bất ngờ bởi sự uy nghi của cây. Từ gốc cây, phải ba người ôm mới xuể, nhiều thân, cành cây vươn lên cao, xòe rộng ra xung quanh. Xung quanh gốc cây được xây tường đá để bảo vệ. Từ ngoài đường nhiệt độ nóng bức (hơn 30 độ C), vậy mà khi đến đứng ở gốc cây, chúng tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, dễ chịu. Cây bồ đề nằm phía sau ngôi chùa linh thiêng có tên gọi là Tháp Bồ Đề Đạo Tràng hay còn gọi là Đền Mahabodhi. Đó là một ngôi chùa to và rất cao, kiến trúc kiểu đối xứng, có những tháp nhỏ, nhiều lăng tẩm, với rất nhiều cây xanh ở xung quanh. Tất cả chùa, cây bồ đề đều nằm trong một khuôn viên rộng. Người vào cổng khuôn viên này phải cởi bỏ giày dép, có chỗ gửi và phải trả tiền. Ai muốn quay phim, chụp ảnh phải mua vé. Đoàn Việt Nam chúng tôi có Thiền sư Thích Huyền Diệu đi cùng nên được ưu ái đặc biệt là được gửi giày trong phòng khách không phải trả tiền và cũng được miễn tiền mua vé chụp ảnh.
Theo các tài liệu lưu trữ tại ngôi chùa đặc biệt này thì tường của ngôi chùa được xây dựng bằng gạch xanh trộn với vôi và những khung trong hốc tường chùa để thờ các tượng Phật bằng vàng. Cột, cửa chính và cửa sổ được trang trí bằng vàng và bạc trộn lẫn với xà cừ và ngọc quý. Bên trong chính điện thờ một tượng lớn của Đức Phật Thích Ca.
Dưới tán cây bồ đề linh thiêng và xung quanh ngôi chùa Bồ Đề Đạo Tràng là hàng nghìn người vừa đi vừa lễ, ngồi thiền và chờ… lá rụng. Ai tình cờ nhặt được lá bồ đề rụng thì coi như có được một niềm vui lớn. Có nhiều em bé người Bốt Ga-y-a đứng chờ lá bồ đề rụng và bán lại ngay cho du khách, mỗi lá được bán với giá từ 200 đến 500 Ru-pi (tiền Ấn Độ, một đô-la Mỹ đổi được 45 Ru-pi). Chúng tôi để ý trong số những người đứng, ngồi, đi dưới tán cây bồ đề có người châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và cũng có không ít người Việt Nam đi du xuân hành hương về đất Phật.

Chùa Bồ Đề Đạo Tràng.
Vì khách đến đây từ nhiều quốc gia nên cách lễ, cách lạy cũng mỗi người mỗi khác. Có người thì vừa đi thong thả, vừa lần tràng hạt. Có những người vừa đi vừa đọc kinh. Nhiều người lạy tạ nhẹ nhàng, nhưng cũng có người làm những động tác lạy mạnh như người tập thể dục. Chúng tôi lặng lẽ đi chín vòng quanh chùa và cây bồ đề, vừa đi vừa tập trung tư tưởng thành tâm cầu nguyện những điều may mắn, hạnh phúc đến với đất nước, với cơ quan đang công tác và gia đình theo lời dặn của thiền sư Thích Huyền Diệu. Thiền sư còn dặn dò kỹ chúng tôi không được cầu nguyện những khát vọng nhỏ nhen, những ước muốn thấp hèn và phải cầu nguyện cho Tổ quốc đầu tiên, đặt lợi ích của Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta lên trên lợi ích của từng cơ quan, doanh nghiệp và gia đình. Có điều rất kỳ lạ là khi đoàn Việt Nam hành lễ dưới gốc cây bồ đề dưới sự chủ trì của thiền sư Thích Huyền Diệu, khi thiền sư đọc xong bài kinh thì một cơn gió ào tới mang theo làn không khí mát lạnh và rất nhiều lá từ cây bồ đề rụng xuống đầu chúng tôi.
Theo tài liệu về Phật giáo của Ấn Độ, trước khi Hoàng đế Asoka trở thành một vị Phật tử, ông đã sai người chặt cây bồ đề, lấy gỗ để làm lễ tế lửa cho một hoạt động tôn giáo khác. Điều kỳ lạ là từ đống tro tàn của gỗ cây bồ đề này, một cây bồ đề con đã được mọc ra với cành lá lung linh như long vũ. Hoàng đế Asoka kinh ngạc và ngài đã vội vã cúng gốc cây bồ đề cũ, cho gốc cây tắm sữa. Một điều kỳ lạ nữa lại diễn ra. Sáng hôm sau, từ gốc cây bồ đề này, những cành mới của cây bồ đề đã vươn cao đúng bằng cây bồ đề khi chưa chặt lấy gỗ. Sau đó, Hoàng đế Asoka trở thành một vị Phật tử. Ông đều đặn đến viếng thăm cây bồ đề và ân hận về hành vi trước kia của mình. Thế nhưng Hoàng hậu (vợ của Hoàng đế Asoka) lại ghen tị với cây bồ đề. Bà ta sai người hầu chặt cây bồ đề đi. Hoàng đế Asoka lại mang sữa đến tắm cho cây bồ đề và cây lại mau chóng hồi phục như cũ. Sau này, một vị cháu của Asoka đến viếng thăm cây bồ đề và đã tổ chức xây tường đá xung quanh gốc cây để bảo vệ cây. Bức tường đá này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sử sách của Ấn Độ còn ghi lại sự kiện trong thế kỷ thứ sáu, một cuộc chiến tranh đã làm tổn hại đến cây bồ đề, nhưng nó cũng được hồi phục lại với sữa của 1.000 con bò.
Thiền sư Thích Huyền Diệu kể với chúng tôi rằng, vào thế kỷ thứ VII, Trần Huyền Trang - nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông của Trung Quốc - đã đi bộ tới đây tầm sư học đạo. Nhà sư ra đi năm 21 tuổi, đến năm 38 tuổi tức là sau 17 năm, mới trở về Trung Quốc. Chuyến đi của nhà sư Trần Huyền Trang qua 128 nước lớn nhỏ lúc bấy giờ, riêng thời gian đi về phải mất 4 năm, ở Ấn Độ học đạo 13 năm. Khi về nước, nhà sư phải dùng 24 con ngựa để chở 657 bộ kinh Phật, 150 linh cốt Phật và 6 tượng Phật. Sau đó, trong 19 năm, ông dịch xong 75 bộ kinh Phật. Khi ông mất, có đến một triệu người đi đưa tang và 30.000 phật tử dựng lều cử tang gần mộ. Người đời sau dựa vào chuyện ấy, lấy Trần Huyền Trang làm nhân vật chính, viết nhiều tiểu thuyết, nhiều vở kịch; trong đó nổi tiếng nhất là bộ tiểu thuyết "Tây du ký" của nhà văn Ngô Thừa Ân. Trong đó, Trần Huyền Trang được hóa thân vào nhân vật Đường Tăng.
Thiền sư Thích Huyền Diệu cho chúng tôi biết: Ngày xưa việc đi đến Bốt Ga-y-a gặp rất nhiều khó khăn, còn bây giờ đến Bồ Đề Đạo Tràng thật dễ dàng. Du khách có thể đi bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Sân bay Bốt Ga-y-a chỉ cách Bồ Đề Đạo Tràng hơn 10 ki-lô-mét. Từ Việt Nam nếu đi bằng đường không đến Bốt Ga-y-a chỉ mất khoảng nửa ngày.
Theo thiền sư Thích Huyền Diệu, cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng từ lâu đã trở thành trung tâm chính của nơi thờ tự lễ lạy của khách hành hương, được coi như là một biểu tượng của sự phát triển Phật giáo. Tại Ấn Độ có hàng triệu cây bồ đề, nhưng chỉ có cây bồ đề tại Bốt Ga-y-a, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo là được mọi người, từ các vị Quốc vương, các vị lãnh đạo các nước, chư vị tăng ni, Phật tử khắp các nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng. Ai đến đây cũng mong mỏi có một lá bồ đề, vì tin rằng lá của cây chứa đựng sự linh thiêng, màu nhiệm và sự tuệ giác của chư Phật. Để có lá của cây bồ đề linh thiêng tặng cho các Phật tử Việt Nam, thầy trò thiền sư đã phải thức thật khuya, dậy thật sớm nhặt lá về ép khô rồi gửi tặng về Việt Nam. Trong đoàn của chúng tôi, mỗi người cũng được thiền sư tặng một lá bồ đề ép trong một tờ giấy rất đẹp có chữ ký của thiền sư Thích Huyền Diệu.
Xung quanh cây bồ đề linh thiêng và chùa Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều người địa phương bán lá cây bồ đề ép khô, họ nói là của cây bồ đề mà Phật Thích Ca đã ngồi dưới gốc, nhưng theo các nhà sư ở Bồ Đề Đạo Tràng thì đó không phải là lá cây bồ đề linh thiêng nói trên mà là lá của rất nhiều cây bồ đề trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng, được chiết hoặc gieo từ hạt cây bồ đề nơi Phật Thích Ca ngồi dưới gốc. Du khách mua các lá bồ đề này, nếu có yêu cầu sẽ được các nhà sư của chùa Bồ Đề Đạo Tràng lau trên tượng Đức Phật Thích Ca. Các thành viên trong đoàn Việt Nam chúng tôi ai nấy cũng đều mua lá bồ đề về làm quà và đều được các nhà sư của chùa Bồ Đề Đạo Tràng dùng lá bồ đề lau Đức Phật Thích Ca.

Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều ngôi chùa của các quốc gia đại diện cho các châu lục trên toàn thế giới. Nhiều nhất là chùa của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Bu-tan. Mỗi chùa có một nét kiến trúc đặc trưng riêng theo phong cách của từng nước. Việt Nam đã xây dựng 4 chùa tại đây. Ngôi chùa đầu tiên mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự. Ngôi chùa này được các bạn Ấn Độ đánh giá là ngôi chùa đẹp nhất, cao nhất và có khuôn viên rộng nhất trong số hàng trăm ngôi chùa của các nước tại đây.
Chính điện Việt Nam Phật Quốc Tự.
Trên đường đi từ sân bay Bốt Ga-y-a về Bồ Đề Đạo Tràng - nơi có cây bồ đề linh thiêng mà Phật Thích Ca đã tu hành đắc đạo - HT Thích Huyền Diệu đã chỉ cho chúng tôi ngôi chùa Việt Nam mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự. Ngôi chùa rất dễ phân biệt với các ngôi chùa khác bởi từ xa đã trông thấy một ngọn tháp có kiến trúc rất đẹp với mái ngói cong cong đặc trưng của kiến trúc đình chùa Việt Nam cao vút lên trời xanh. Chùa cũng tọa lạc ở vị trí đất khá cao nên Việt Nam Phật Quốc Tự càng nổi bật so với hàng trăm ngôi chùa khác.
Sau khi dẫn chúng tôi thăm cây bồ đề linh thiêng và chùa Bồ Đề Đạo Tràng, HT Thích Huyền Diệu đưa chúng tôi về thăm và làm lễ tại Việt Nam Phật Quốc Tự. Lý giải về tên của chùa, HT Thích Huyền Diệu cho biết: "Tên chùa là Việt Nam Phật Quốc Tự do tôi đặt, là đặt Tổ quốc lên trên hết”. Cùng với tên này, tại vùng Lâm-tì-ni (Lumbini) của nước Nê-pan (Nepal), nơi Phật giáng trần, cũng có một ngôi chùa Việt Nam do Thiền sư Thích Huyền Diệu xây dựng. Ông là người xây dựng và trụ trì của cả hai chùa mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự. Trong đó Việt Nam Phật Quốc Tự tại Nê-pan là ngôi chùa quốc tế đầu tiên tại nơi Phật giáng trần, Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bốt-ga-y-a (Ấn Độ) là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi Đức Phật tu hành và đắc đạo.
Trong khu vực Bồ Đề Đạo Tràng còn có 3 ngôi chùa khác của Việt Nam được xây dựng sau Việt Nam Phật Quốc Tự là chùa Độ Sanh do một nhà tu hành người Mỹ gốc Việt đầu tư xây dựng, chùa Viên Giác do một nhà tu hành người Đức gốc Việt tên là Thích Như Điền đầu tư xây dựng, tịnh xá Kỳ Hoàn do thầy Thích Giác Viên, đến từ Vũng Tàu đầu tư xây dựng.
Việt Nam Phật Quốc Tự được khởi công xây dựng từ năm 1987 trong khuôn viên rộng 3,4ha. Đến nay chùa đã hoàn thành được cổng tam quan, tháp chuông và chính điện. Tháp chín tầng (cao nhất trong các tháp chùa ở xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng) cũng vừa mới hoàn thành phần xây lắp, chưa hoàn thiện phần nội thất bên trong. Đứng trên tầng thứ 9 của tháp có thể nhìn thấy hầu hết các ngôi chùa xung quanh. Hiện nay nhà chùa còn đang xây dựng nhà khách ba tầng (đã xây dựng được hai tầng) với kiến trúc khá đẹp mắt. Khi hoàn thành, nhà khách này có thể đón tiếp và bố trí nơi ăn, nghỉ cho 500 khách.
Cổng tam quan, tháp chuông và chính điện của Việt Nam Phật Quốc Tự đều có mái cong mềm mại theo như mô-tuýp của các ngôi chùa Việt Nam. Chúng tôi để ý thấy các câu đối, trướng và các chữ viết trong chùa đều dùng chữ Việt Nam (chữ Quốc ngữ). Theo Thiền sư Thích Huyền Diệu, phải dùng chữ Việt Nam để mọi người Việt Nam đến đây đều đọc được và nhắc nhở họ phải nhớ về Tổ quốc. Trong chính điện, ngoài các bức tượng Phật, còn có hai bàn thờ lớn là: Bàn thờ Tổ quốc thờ những người đã có công dựng nước Việt Nam và Bàn thờ các Anh hùng liệt sĩ-những người đã có công gìn giữ đất nước Việt Nam. Nói chuyện với chúng tôi, Thiền sư Thích Huyền Diệu luôn tỏ lòng tri ân đất nước Việt Nam và rất thích lời của bài hát “Quê hương”: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Vườn trong khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự rất rộng. HT Thích Huyền Diệu cho trồng đầy những cây xanh. Trong vườn có nhiều cây liên quan đến đạo Phật, nhiều cây thuốc rất quý. Trong vườn cũng có khá nhiều cây được đem từ Việt Nam trồng tại đây như bụi tre Đằng Ngà gắn với truyền thuyết Thánh Gióng, cây mai vàng quê hương của Thiền sư Thích Huyền Diệu… Trong vườn của Việt Nam Phật Quốc Tự còn có cây bồ đề được ươm từ cây bồ đề linh thiêng nơi Phật Thích Ca tu hành và đắc đạo. Vườn còn có nơi ươm giống cây bồ đề từ hạt cây bồ đề linh thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng. HT Thích Huyền Diệu cho biết: Trong năm Canh Dần này, ông sẽ gửi về Việt Nam 40 cây bồ đề nảy mầm từ hạt cây bồ đề nơi Phật Thích Ca ngồi dưới bóng cây thiêng. Tôn trọng quy luật của tự nhiên, Thiền sư Thích Huyền Diệu cho cây cối trong vườn mọc... tự nhiên. Những con đường trong khuôn viên nhà chùa được thiền sư cho xây dựng quanh co, khúc khuỷu, không thẳng tắp, như đường đời vốn quanh co vậy.
Trong vườn của chùa còn có một số tượng gợi nhớ Việt Nam và đạo Phật như tượng cậu bé cưỡi trâu, nhóm tượng “Tôn Ngộ Không”… Có một điều lạ, khác với các chùa ở Việt Nam là trong khuôn viên của Việt Nam Phật Quốc Tự, từ cổng lên chùa, dãy nhà ở của các nhân viên trong chùa, nhà ở của khách… chỗ nào cũng thấy có bản đồ Việt Nam. Trả lời thắc mắc của chúng tôi về vấn đề này, HT Thích Huyền Diệu, khẳng định: "Tôi cho đắp và cho vẽ rất nhiều bản đồ Việt Nam là để gợi cho mọi người Việt Nam đến đây lúc nào cũng nhớ đến quê hương, đất nước. Ai quên đất nước Việt Nam thì phải tìm đường mà về. Khi nào tôi chết, nếu có ai đó muốn xóa bản đồ Việt Nam ở đây cũng không xóa hết được".
Lúc chúng tôi đến thăm, trong Việt Nam Phật Quốc Tự có khoảng hai chục người Việt Nam, chủ yếu là tăng ni, Phật tử đến đây để học tập. Trong số học sinh của HT Thích Huyền Diệu tại đây có một số người Ấn Độ. Ngoài ra còn có một số người địa phương vùng Bốt Ga-y-a đến làm các công việc trong chùa như xây dựng nhà cửa, chăm sóc vườn cây, quét dọn vệ sinh…
Tháp 9 tầng trong khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự.
HT Thích Huyền Diệu kể lại quá trình xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bốt Ga-y-a khá gian nan. Tiền xây dựng chùa là do các học sinh của thiền sư từ nhiều quốc gia trên thế giới đóng góp là chủ yếu, lúc nhiều, lúc ít. Trong quá trình xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bốt Ga-y-a thì ông lại được Nhà nước Nê-pan cấp đất để xây cất ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần. Trong một lúc thiền sư phải chỉ đạo việc xây dựng chùa ở cả hai nơi… “Điều làm tôi rất vui là đồng bào Việt Nam khi sang thăm Bồ Đề Đạo Tràng đều ghé thăm Việt Nam Phật Quốc Tự” - Thiền sư Thích Huyền Diệu bộc bạch.
HT Thích Huyền Diệu là một nhà khoa học, đã và đang đi khắp năm châu bốn biển (mà thiền sư thường nói đùa là đi "làm thuê") để giảng dạy về mật pháp, lòng tri ân, tu tập chữa bệnh, thuyết trình về vấn đề quan hệ quốc tế… Ông nói thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ấn Độ, tiếng Nê-pan…, nhưng ông luôn khuyên bà con người Việt ở Ấn Độ nên dùng tiếng Việt Nam. Mấy năm trước, thiền sư đã từng một mình vào rừng Nê-pan thuyết phục các phe phái (đang đánh nhau) buông súng, ngồi vào bàn đàm phán, và ông đã thành công. Ông được giới chức Nê-pan nể trọng, đánh giá cao, và đề nghị tặng huân chương, thậm chí còn gợi ý đề nghị tặng giải Nobel, nhưng thiền sư đều từ chối… Năm 1993, ông đã được Nhà nước Nê-pan cấp phép xây dựng ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần. Từ ngôi chùa đầu tiên này, đến nay, vùng Lâm-tì-ni (Nê-pan), nơi Phật giáng trần đã mọc lên nhiều ngôi chùa của các quốc gia khác, góp phần làm hồi sinh vùng đất thiêng này.
Tiếp xúc với HT Thích Huyền Diệu, chúng tôi vô cùng kính phục về sự hiểu biết của ông trong cả việc đạo và việc đời, cả các vấn đề trong nước và quốc tế. Tuổi đã cao, nhưng sức khỏe của ông vẫn dẻo dai như thanh niên. Có một điều khó tin, nhưng ông quả quyết với chúng tôi, đó là sự thật: Ở tuổi thiếu niên, ông là một cậu bé yếu ớt, có rất nhiều bệnh tật, học tập không giỏi lại hay bị gián đoạn. “Tôi vốn là một đứa bé rất tầm thường, chỉ số thông minh thuộc loại thấp, trí nhớ khá yếu, có lẽ vì tôi bị nhiều chứng bệnh nan y ngay từ nhỏ. Nhiều bạn học cùng lớp cực kỳ thông minh và trí nhớ thật đặc biệt, thầy cô giảng điều gì là nhớ ngay và lặp lại đúng y hệt. Còn tôi thì học rất chậm, và nhớ càng chậm hơn…” – Trong hồi ký của mình, Thiền sư Thích Huyền Diệu đã viết như vậy.
Từ một cậu bé như vậy, nhưng nhờ có các thầy chỉ bảo và quá trình tự học, tự rèn luyện, HT Thích Huyền Diệu đã chiến thắng được bệnh tật, thu nạp được nhiều kiến thức. Cuộc đời của HT Thích Huyền Diệu là tấm gương tốt cho nhiều người.
Thời gian đến thăm Việt Nam Phật Quốc Tự không nhiều, nhưng như có phép màu nhiệm nào đó, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi, sau khi thăm, ai cũng có cảm giác muốn được làm một việc gì đó để quê hương đất nước thêm giàu, thêm đẹp.



Đến Kushinagar, vào nghỉ tại chùa Kinh Sơn, tôi không khỏi ngạc nhiên khi trông thấy vài chục chú điệu người Ấn đang tụng kinh tại chánh điện với lời kinh Pàli cùng với một số bài sám quen thuộc bằng tiếng Việt. Hỏi ra mới hay các chú chính là đệ tử của Ni sư TN. Tự Thuận, trụ trì ngôi chùa Việt Nam duy nhất tại vùng dết linh thiêng này .

Hiện chùa có đến 35 chú điệu, đều là người Ấn, ngoại trừ một chú nhỏ bốn tuổi cùng ba mẹ sang công quả, nằng nặc đòi Ni sư xuống tóc để cung các chú tu học. Ni sư cho biết, các chú phần lớn là con của một số Phật tử nghèo tại Kushinargar, bang Uttar Pradesh và một số tiểu bang khác tại Ấn Độ.

Ni sư Trí Thuận là người Việt Nam đau tiên trên đất Phật giáo hóa được một số đệ tử ngươi Ấn đông như thế. Tại khuôn viên chưa, Ni sư còn kết hợp với chín quyền sở tại mở một trường học gồm 420 học sinh lớp một đến lớp tám với 16 giáo viên chính và là 12 giáo viên phụ. Lương bổng và mọi chi phí trường lớp do Ni sư tự tay chi trả. Học sinh của trường ngoài việc học giáo trình chính thức do nhà nước quy định bằn tiếng Hindu và tiếng Anh, còn có cả những giờ học Việt và giáo lý do chính Ni sư giảng dạy. Ngoài ra, Ni còn mở một phòng khám miễn phí tại chùa và kết hợp với một số tổ chức khác mở thêm nhiều lớp học từ thiện cho trẻ em nghèo ấn Độ.

Phụ giúp Ni sư trông coi các chú còn có một vị sư trẻ người Ấn và một Sư cô người Malaysia. Cả hai đi tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng song vẫn hướng dẫn và cùng các chú tụng kinh theo nghi thức của chùa do Ni sư soạn (tụng kinh, niệm Phật bằng Kushinagar; chùa nghèo, lại tiếp nhận một số trẻ Ấn mồ côi và trẻ em thuộc những gia đình Phật tử khó khăn nên thường được Ni sư “tiếp tay” giúp đỡ. Sau một thòi gian, thầy quyết định đưa các em sang chùa Linh Sơn, nơi Ni sư trụ trì, để các em có điều kiện học tập. Ni sư đã tiếp nhận các chú, làm lễ thế phát quy y và mời vị sư Ấn đến ở và trông coi các chú. Còn vị sư cô người Malaysia vốn có duyên với ni sư, muốn đến để cùng Ni sư chăm lo cho những mầm non Phật giáo trên đất Ấn và tu tập tại vùng đất linh thiêng này. Được cả hai đồng tâm giúp đỡ, Ni sư yên tâm phần nào vì phải thường xuyên công tác Phật sự ở xa.

Khi được hỏi Ni sư dạy dỗ, hướng dẫn các chú bằng cách nào, Ni sư vui vẻ cho biết: “Tôi trò chuyện với chú bằng tiếng anh. Những vấn đề phức tạp dĩ nhiên phải nhờ đến vị sư người Ấn. Sư ở cùng với các chú, thể hiểu và giúp đỡ các chu nhiều hơn”. Thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, 5g30 thể dục, 6g các chú đồng lên chánh điện tụng thời kinh sáng kéo dài đến 7g, sau đó điểm tâm và đến lớp. Sau giờ cơm trưa các chú nghỉ ngơi, học hành, dùng cơm chiều và tiếp tục tụng thời kinh tối. Giờ cơm, các chú xếp hàng ngay thẳng lần lượt được vị Sư cô người Malaysia múc cơm và thức ăn vào chiếc đĩa lớn; mỗi chú còn có một bình nước và một cái ly riêng, ăn xong ai nấy phải tự rửa đĩa. Trước mỗi bữa ăn, các chú đồng niệm danh hiệu Phật và sau đó hồi hướng đều bằng tiếng Việt với chất giọng lơ lớ nghe rất vui tai.

Mặc dù một tay coi ngó toàn bộ việc chùa, việc và rất nhiều Phật sự khác, Ni sư vẫn tự đi chợ mua thức ăn và bánh trái cho các chú. Bữa ăn của các chú khá đầy đủ, hơn hẳn nhiều ngôi chùa quê ở Việt Ni sư Trí Thuận gốc người Quảng Trị, định cư tại Mỹ và xuất gia tại Pháp với bổn sư là HT.Thích Huyền Vi – năm 1989, Ni sư được Hòa thượng bổn sư dạy sang đất Ấn để làm Phật sự, trông coi và phát triển ngôi chùa tại vùng đất xa xôi này.

Chùa Linh Sơn nguyên có tên là Song Lâm tự, do người Hoa sáng lập. Vì không có người trông coi, ngôi chùa đã được hiến cúng lại cho Hòa thượng Huyền Vi và Ni sư là người có duyên nhất trong số những đệ tử của Hòa thượng nên được bổ xứ tại đây. Ngay khi đến đất Phật, Ni sư đã cho người tu bổ lại chùa, dựng tượng Bồ tát quán Thế âm, xây dựng Tăng xá và vườn Thánh tích, mô phỏng những ngôi chùa, tháp của Tứ động tâm ngay trong khuôn viên chùa. . .

Những ai từng đến xứ Ấn, ắt có thể hình dung được rất nhiều khó khăn mà Ni sư đã, đang và sẽ đối diện, từ thủ tục xây dựng chùa và trường học, những giấy tờ cần thiết cho các chú điệu cho đến những sự chống đối ra mặt hay ngấm ngầm của những người Ấn vốn theo đạo Hin du bởi họ sợ Ni sư “dụ dỗ” dân làng theo Phật. Dù vậy, ngoài các chú điệu, Ni sư cũng đã giáo hóa được một số nam, nữ cư sĩ. Họ theo Ni sư từ buổi đầu, nay một vài người đã ra làm việc
cho các cơ quan hành chính nhà nước song vẫn thường xuyên đến chùa công quả.

Trở lại vấn đề chăm lo cho mầm non Phật giáo tại đất ấn, Ni sư tâm sự: “Tôi không nghĩ rằng mình có thể giáo hóa được tất cả các chú trở thành Tăng tài. Uớc nguyện của tôi là trong số các chú sau này vẫn còn được vài ba người tiếp tục con đường tu hành. Thực tế khi ở chùa, các chú được học hành và được chăm lo tốt hơn rất nhiều so với ở nhà, song một số cha mẹ của các chú, khi kinh tế khá giả hơn một chút, họ đã đến chùa để xin con về. Các chú học xong tiểu học, nếu có chí nguyện, tôi sẽ gửi các chú qua các nước khác như Mỹ, Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam để tiếp tục tu học. Bởi chính các chú mới thực sự có nhiều thuận duyên trong việc đem ánh sáng Chánh pháp trở về lại xứ ân”.

Như vậy, để ươm những mầm non Phật giáo trên đất Phật, thiết nghĩ, cũng không thực dễ dàng, do Phật giáo hầu như vắng bóng trên chính quê hương của mình quá lâu.

Ngày nay, quý Phật tử có thể viếng thăm Linh Sơn tự theo các toái hành hương chiêm bái Phật tích hoặc có thể tự đến Kushinagar bằng nhiều phương tiện. Kushinagar thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, còn có tên cổ là Kushinara. Đây là một tiểu vương quốc trong 16 vương quốc thời cổ đại Ấn độ.

Lúc còn tại thế, Đức Phật vẫn thưởng băng qua những vùng đồng bằng bụi bặm của lưu vực sông Hằng, thọ nhận những bữa ăn đơn sơ do Phật tử dâng cúng và an cư trong suốt những tháng mùa mưa. Vào năm 543 trước Tây lịch, tại ngôi làng Beluva gần thành Vaishali, Đức Phật đã thuyết về sự vô thường của vạn pháp và tuyên bố rằng ngày Niết bàn của Ngài sắp đến. Từ giã Vaishali, Đức Phật bắt đầu cuộc hành trình dài 280km, hướng về ngôi làng Pava, Kushinagar. Nơi đây, Ngài đã thọ nhận bữa ăn cuối cùng của bác thợ rèn Cunda và nghỉ tại rừng cây sala bên bờ sông Hiranyavati. Vùng quê nghèo nàn, hẻo lánh thường bị ngập nước vào mùa mưa này ngày nay đã được cả thế giới biết đến, đơn giản chỉ vì Đức Phật đã chọn nơi này để vào Đại bát Niết bàn.

http://www.chuaphuochue.com/tanquanam_files/quan-am-1.gif

Bí mật của một câu kinh Phật
Vừa rồi, chúng tôi, những người bạn chí thân từ thời còn đi học ở Việt Nam trước 1975, rủ nhau qua Canada thăm mấy ông bạn khác. Chúng tôi đến thành phố Montreal vào mùa hè nên không lạnh lắm. Ở Mỹ hay Canada, nhà cửa, cách sinh hoạt không khác nhau mấy. Và việc đi thăm bạn bè thì cũng chẳng có gì đáng kể ra đây nếu không có một câu chuyện, mà nếu bạn nghe được, chắc cũng sẽ ngạc nhiên, đặt nhiều câu hỏi.
Chuyện hơi dài dòng, xin bạn kiên nhẫn.
Chúng tôi gồm ba cặp vợ chồng, được gia đình người bạn tiếp đón rất thân tình. Ông ta còn gọi các bạn khác ở gần đó, kéo đến, nên buổi họp mặt thật đông vui.
Khi bữa cơm gia đình đã mãn, các bà lo dọn dẹp chén bát để pha trà và các ông đang chuyện trò sôi nổi, thì ông bạn chủ nhà đổi đề tài: “Có một chuyện thực, xảy ra ở Việt Nam, khoảng năm 1982. Một chuyện kỳ lạ mà bà chị tôi vừa là người trong cuộc vừa là nhân chứng. Lúc còn ở Việt Nam, chị tôi dấu kín vì sợ đến tai công an thì sẽ bị tra hỏi, có thể bị tù cũng nên. Nay chị tôi đến xứ tự do, sẽ kể thoải mái. Trong câu chuyện, có gì thắc mắc, xin cứ hỏi chị tôi”.
Người chị của chủ nhà, đang ngồi với các bà, được yêu cầu kể chuyện. Chị ta xin phép vài phút để lên lầu, lát sau đi xuống, tay cầm một phong bì đặt trước mặt và bắt đầu kể. Mọi người yên lặng, lắng nghe.
- “Gia đình tôi, sau bảy lăm (1975), chỉ còn đàn bà vì đàn ông đều vô tù cải tạo hết cả. Khoảng năm tám mươi (1980), chúng tôi được móc nối để vượt biên nhưng vẫn phải chờ ít nhất một người đàn ông đi tù cải tạo về mới quyết định được. Năm đó, cậu em tôi được thả về, chúng tôi báo cho người tổ chức, họ bảo, có một chuyến, phải đi ngay. Từ Sài Gòn chúng tôi đón xe về Cà Mau dự đám cưới. Đám cưới thật nhưng ăn cưới chỉ là cái cớ. Dân địa phương thấy người lạ từ Sài Gòn về ăn cưới thì biết ngay, nhưng rình bắt là công việc của công an. Thế nên, ai cũng chờ đợi màn thứ hai là khuya nay, công an sẽ phục ở bãi đáp để tóm gọn quí vị quan khách nầy. Trò nầy xảy ra thường xuyên, nhưng họ không biết rằng vụ vượt biên nầy lại do chính công an địa phương đứng ra tổ chức, nên tối đó quí vị công an với các viên chức xã ấp có nhiệm vụ phải nốc rượu cho thật say, để sáng ra, ai cũng không biết gì cả!
Khuya đó, chúng tôi bị gọi dậy, cấp tốc lên đường. Từ nhà ra biển chỉ vài cây số. Trời quá tối. Chúng tôi âm thầm theo người trước mặt, đi vòng vèo trên các con đường đất. Trong bóng đêm tối đen, thỉnh thoảng, bên đường lại có một toán chui ra nhập bọn, tôi đoán, cả đoàn chúng tôi, ít ra cũng hơn trăm người. Mặc dù đã được dặn trước là khi xuống thuyền phải tuyệt đối yên lặng và trật tự, không được chen lấn cãi cọ, nhưng khi thấy mấy chiếc tắc xi (thuyền nhỏ đưa ra thuyền lớn), người ta ùa nhau lội xuống nước, tranh nhau leo lên thuyền. Cậu em tôi đi trước, tay bồng hai đứa con, vợ nó níu lưng đi sau, tôi níu áo cô ta để khỏi lạc nhau. Chỗ bãi đó toàn sình, ngập đến đầu gối khiến ai nấy bì bõm mãi mà chưa đến thuyền. Cậu em tôi phải kéo hai người đàn bà chúng tôi phía sau nên càng vướng víu, chậm chạp. Mọi người như những bóng ma âm thầm, chen nhau leo lên thuyền.
Khi cậu em tôi bỏ được hai đứa nhỏ lên thuyền, đẩy được vợ nó lên, đến lượt tôi thì bỗng có tiếng súng, tiếng la hét:
- “Tất cả đứng yên! Đưa hai tay lên. Ai bỏ chạy sẽ bị bắn bỏ”.
Tôi thấy ánh đèn pin loang loáng cách chỗ chúng tôi vài trăm thước. Chủ thuyền vội đẩy thuyền ra. Cậu em tôi chỉ kịp níu lấy be thuyền, người vẫn còn ở dưới nước. Tôi và khoảng vài chục người đành đứng nhìn mấy chiếc thuyền lẫn vào bóng tối, mờ dần ngoài biển khơi. Lúc đó tiếng súng và tiếng hô hoán “Đứng yên! Bỏ chạy bắn bỏ” càng như gần hơn khiến mọi người vội chạy ngược về phía bờ. Như đã dặn trước:
- “Khi bị bể, phải chạy tránh xa ánh đèn của công an, trốn cho kỹ, chờ vài hôm, yên tĩnh mới tìm cách ra lộ đón xe về”.
Vậy là mạnh ai nấy chạy. Tôi bương đại lên bờ, chạy ngược hướng tiếng súng. Vừa chạy vừa run, miệng niệm: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát”. Cứ nhắm mắt, nhắm mũi chạy đại, vấp mô đất hay gốc cây té xuống thì vùng dậy chạy tiếp. Lúc đầu hình như có người cùng chạy với tôi, quay lại thì không thấy ai cả! Tôi chạy độ nửa tiếng, thấy đã xa, vừa hoàn hồn thì hai chân rã rời, nhấc không lên. Tôi ngồi đại xuống đất, thở dốc. Lúc đó khoảng một giờ sáng. Tôi nhìn quanh. Một bên là biển đen sì, rì rào tiếng sóng, một bên là bờ rừng, với hàng cây là những khối đen, cao hơn đầu người, trông như những con ác thú đang chờ mồi. Tôi đoán, có lẽ công an rình bắt một vụ vượt biên khác, cách chúng tôi vài ba trăm mét, chủ thuyền tưởng bị bể, nên bỏ chạy, vì thế mọi người mới chạy thoát.
Từ lúc lên xe ở Sài Gòn đến khi về Cà Mau, tôi hoàn toàn không biết mình đang ở đâu? Bây giờ ngồi bơ vơ giữa đồng không mông quạnh, chung quanh tối mù, tôi tự hỏi mình sẽ làm gì, hay phải ngồi như thế nầy cho đến sáng? Lúc nãy, chạy, người toát mồ hôi, bây giờ, gió biển thổi vào, tôi lạnh run cầm cập. Tôi thầm ước cho công an đến bắt mình, có người cùng bị bắt với nhau cũng yên tâm, rồi sau đó muốn ra sao thì ra! Cái xách nhỏ trên vai tôi vẫn còn. Tôi tìm chai nước lạnh, uống mấy ngụm. Trong xách chỉ có vài chai nước lạnh, mấy viên thuốc say sóng, mấy hộp sữa đặc, cái khăn nhỏ, một mớ đô la và vàng cùng quyển kinh Phật. Không hiểu sao, trong lúc hoảng loạn mà tôi còn giữ được cái xách?
Đang ngồi rầu rĩ, bỗng nhiên, tôi thấy từ xa, có ánh đèn thấp thoáng, có lẽ là đèn dầu hôi, loại thường thấy ở thôn quê, cách tôi hơn một cây sốâ. Tôi mừng rỡ, quên cả mệt, đứng lên, nhắm ánh đèn mà đi. Tôi đi như chạy, té lên, té xuống, mà không thấy đau, cứ nhắm ánh đèn bương tới, vì sợ người ta tắt đèn thì không biết làm sao tìm đến. Độ nửa giờ sau, tôi đến nơi. Đó là một nhà lá, cửa mở, một cây đèn bão, (loại đèn để đi trong gió mà không sợ tắt) đặt trên một chiếc ghế nhỏ, để ngay trước cửa, nhờ vậy mà từ hướng bên trái ngôi nhà, tôi vẫn thấy được.
Khi đến trước cửa, tôi kêu lên:
- “Có ai trong nhà không? Cho tôi vào với”.
Có tiếng đàn ông nói lớn:
- “Vào đi! Đừng sợ!”.
Khi bước vô cửa tôi mới nhận ra là có một người đàn ông đang ngồi hút thuốc lào, cạnh một cái bàn để giữa nhà. Người đàn ông đứng lên, ra đem cây đèn bão và chiếc ghế vào. Nghe giọng lơ lớ, với cách dùng chữ, tôi đoán ông ta là người Bắc giả giọng Nam. Tôi bước vào nhà. Nhà không rộng lắm nhưng đặt ba nơi ba chiếc giường rộng, có trải chiếu tươm tất. Ông ta chỉ chiếc ghế:
- “Ngồi đấy đi!”.
Tôi nói cám ơn, vì áo quần dính sình, không dám ngồi, sợ dơ ghế. Ông ta bảo, giọng bình thản như việc nầy đã từng xảy ra nhiều lần:
- “Thế thì đi tắm đi! Tôi có sẵn áo quần của bà xã tôi, thay tạm. Áo quần bẩn thì giặt đi, phơi ra ngoài gió, sáng mai khô ngay, thay trả lại cho tôi, rồi tôi sẽ đưa ra bến xe, đón xe về Sài Gòn”.
Nghe nói sáng mai đón xe về Sài Gòn, tôi mừng quính, không ngờ mình may mắn gặp được cứu tinh. Tôi thấy có cảm tình với người đàn ông tử tế đó, định nói lời cám ơn, nhưng nhìn thấy hai con mắt của ông ta, tôi rùng mình khiếp sợ. Ông ta khoảng năm mươi tuổi, dáng người tầm thước, mặt sạm nắng, hai gò má cao, tóc ngắn, chân tay gân guốc ... nghĩa là ông ta đúng là một nông dân, chỉ đôi mắt là khủng khiếp. Tuy đèn dầu tù mù nhưng đôi mắt vẫn ánh lên những tia sáng lạnh lẽo, vừa uy quyền, tàn nhẫn vừa như giễu cợt. Tôi sợ quá, cảm tưởng như mình là con chuột đã bị con mèo chộp được trong móng vuốt nhưng vẫn giữ đấy chờ con mồi chết khiếp mới từ từ thưởng thức. Thấy tôi đứng bất động vì sợ, ông ta cười, giọng dịu dàng nhưng vẫn uy quyền, như ra lệnh:
- “Tôi không hại cô đâu. Cô đừng sợ. Tôi nghe tiếng súng nổ là biết ngay vượt biên bị bể nên thắp đèn lên để ai chạy thoát thì đến đây tá túc, sáng mai tôi lấy thuyền đưa ra bến xe về nhà. Tôi đã cứu hàng mấy trăm người rồi. Ai cũng về nhà an toàn. Đừng sợ. Để tôi lấy áo quần cho cô thay tạm. Hôm nay vợ tôi ra chợ thăm đứa con gái, sáng mai, tôi đưa đi, nhân tiện đón vợ tôi về. Đói bụng thì có cơm nguội trong nồi với con cá khô trong bếp, lấy ra mà ăn”.
Ông ta nói nhỏ nhẹ, từ tốn nhưng tôi vẫn sợ, răm rắp theo lệnh. Ông ta vào buồng đem ra một bộ đồ đàn bà màu đen, trao cho tôi rồi thắp một cây đèn cầy, chỉ lối đi ra sau chái nhà:
- “Có cái phòng tắm sau kia. Sẵn nước với khăn lau. Tắm xong, mặc tạm, còn bộ đồ bẩn thì giặt đi, phơi lên, sáng mai khô, mặc vào, trả lại bộ đồ cho vợ tôi”.
Tôi riu ríu cầm áo quần và cây đèn cầy, ra nhà sau, vào phòng tắm, đóng cửa lại, gắn cây đèn sáp lên bệ, xây lưng về phía đèn, cởi đồ ra, dội nước. Tôi làm một cách vô thức, như bị thôi miên bởi cặp mắt của ông ta, tôi đoán, đang nhìn tôi qua khe hở của vách phòng. Tôi tắm qua loa, mặc áo quần vào. Còn nửa thùng nước, tôi đổ ra cái thau nhỏ sẵn đó, vò bộ đồ dính sình rồi treo lên một sợi dây kẽm trong phòng tắm. Khi tôi lên nhà trên thì ông ta chỉ cái giường, có giăng sẵn mùng:
- “Cô ngủ trên giường nầy. Tôi ngủ trong phòng. Ngủ đi cho khỏe, đừng sợ mà thao thức. Mai đi sớm”.
Tôi nói:
- “Dạ. Cám ơn!” rồi chui vô mùng. Ông ta tắt đèn, đi vào buồng.
Tôi nằm trên giường, mắt mở thao láo, không dám ngủ. Có chiếc mền mỏng, tôi lấy quấn chặt quanh người rồi nằm lắng nghe, không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi chỉ mong được ông ta tịch thu hết số đô la và vàng tôi mang theo rồi tha cho tôi về nhà. Tôi cứ lẩm nhẩm niệm Quán Thế Âm, cầu Phật Bà cứu khổ cứu nạn. Trong đêm tối, tất cả im lặng, chỉ có tiếng sóng biển rì rầm nghe như tiếng xe chạy rất xa. Bấy giờ tôi mới thấy người rã rời, vừa mỏi vừa đau ê ẩm khắp nơi, nhất là những chỗ bị mô đất hay gốc cây đập mạnh vào khi tôi chạy bị ngã. Suy nghĩ miên man, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng. Vừa xếp mùng, mền xong thì ông ta từ trong buồng bước ra.
- “Ngủ có được không?”.
- “Dạ. Đi mệt quá nên ngủ say một giấc đến sáng”.
Tôi nói mà không dám nhìn ông ta, sợ thấy đôi mắt kinh khiếp đó.
- “Cô thay đồ rồi chúng ta đi ngay. Tôi chở cô ra bến xe ngoài chợ, họ sẽ đưa cô lên bến xe tỉnh, đón xe về Sài Gòn. Cô viết vào miếng giấy trên bàn kia, tên họ địa chỉ của cô. Tôi cần biết về cô để sau nầy dễ xác nhận”.
Tôi ra sau nhà, thay đồ, đem bộ đồ của vợ ông ta để trên giường, đến chỗ cái bàn, viết tên họ, địa chỉ vào miếng giấy. Ông ta chỉ cái xách nhỏ của tôi “Đừng quên cái xách tay”. Tôi thấy quyển kinh của tôi để ra ngoài nhưng không dám lấy bỏ vào xách, mà làm như không thấy, chỉ vơ vội cái xách, cầm đi theo ông ta. Ra ngoài sân, tôi mới biết, trước nhà là một con sông rất rộng, có lẽ là cửa sông, còn biển thì nằm bên trái căn nhà, cách một cây số. Nhà ông ta nằm giữa một vùng hoàn toàn hoang vắng, chung quanh là sình lầy với cây đước, vẹt, sú gì đó mọc mênh mông, chạy đến mút mắt. Tôi không hiểu vì sao vợ chồng ông ta lại đem nhau ra ở chỗ nầy? Không ruộng vườn, không thuyền bè đánh cá, không có người chung quanh, ngay đến con chim cũng không thấy bay qua. Có chăng là mấy con cua còng gì đó nằm trên mặt sình dương mắt nhìn tôi. Con đường từ nhà ra bến sông được đắp cao, có lẽ là lối duy nhất đưa ông ta ra chiếc thuyền, đến với xã hội loài người.
Ông ta xuống thuyền, tôi bước theo. Nhờ mấy miếng bê tông làm thành tam cấp nên tôi xuống thuyền không khó khăn lắm. Chiếc thuyền nhỏ, dài khoảng sáu, bảy mét, rộng hơn hai mét, gắn máy đuôi tôm. Ông ta tháo dây cột thuyền, giật máy, đưa thuyền ra giữa giòng sông.
Chiếc thuyền chạy giữa hai bờ rừng vắng vẻ, hoang vu. Một lúc thật lâu thì xa xa thấp thoáng mấy mái nhà sau hàng dừa nước, rồi vài chiếc thuyền xuất hiện, chạy ngược chiều. Thuyền ghé vào một bến đò, có nhà cửa, quán ăn, một chợ thôn quê nhỏ và một bến xe lam (xe Lambretta, ba bánh dùng chở khách). Ông ta cột chuyền, ra dấu cho tôi cùng lên bờ. Mọi người thấy ông ta thì cúi đầu chào vẻ kính cẩn và sợ hãi. Ông ta không thèm nhìn ai, đi thẳng đến chiếc xe lam, nói gì đấy với người chủ xe. Người chủ xe khúm núm gật đầu, miệng dạ nhịp, rồi đến nói với tôi:
- “Mời cô lên xe. Xe chạy ngay bây giờ”.
Ông ân nhân không để ý đến lời cám ơn của tôi, cũng không nói với ai tiếng nào, xuống thuyền, giật máy, quay thuyền ra giữa giòng. Khi ngồi trong xe lam, tôi thấy mọi người đang tò mò nhìn tôi với vẻ sợ hãi rồi thì thầm với nhau gì đấy. Ông xe lam nổ máy, chở một mình tôi, vòng vèo trên đường đất trong xóm rồi đưa xe ra đường lớn, chạy vào thành phố. Ông ta chạy thẳng đến bến xe khách, ngừng cạnh một xe đầy khách, mời tôi xuống, đưa tôi đến ông tài xế, thì thầm với ông ta. Ông tài xế mời tôi lên ngồi ghế trước. Tôi lục trong xách nhỏ, thấy gói đô la và vàng còn nguyên, lấy ra một mớ tiền Việt đưa trả cho hai người, nhưng ai cũng khoát tay.
- “Anh Năm dặn rõ là ảnh sẽ trả tiền xe cho cô, chúng tôi đâu dám nhận”.
Chiều hôm đó, tôi về đến nhà.
Khoảng một tháng sau, người tổ chức đến gặp tôi, báo tin là mọi người đến đảo an toàn, thân nhân sẽ gửi thư sau. Ông ta hỏi tôi rất tỉ mỉ về vụ những người không kịp lên thuyền, tôi kể lại sự việc. Ông ta bảo những người kẹt lại đã bị công an bắt, chỉ thiếu hai gia đình, gồm bốn người, không có tin tức. Hai gia đình nầy thì tôi biết, họ là thương gia xuất nhập cảng trước bảy lăm, rất giàu. Trước khi đi, họ đã bán nhà, vì tin chắc sẽ đi lọt, như vậy, họ ôm của cải theo (vàng và đô la), phải nhiều lắm.
Chuyến vượt biển lần đó khiến tôi sợ quá, không dám nghĩ đến, ai rủ đi cũng lắc đầu.
Khoảng một năm sau, tôi nhận được một lá thư, tên người gửi lạ hoắc. Tôi hoàn toàn không biết ai đã gửi đến.
Chị ta cầm lá thư đưa lên “Mấy năm sau, chồng tôi đi tù về. Chúng tôi qua Mỹ theo diện HO. Vợ chồng tôi qua Canada ở chơi với gia đình cậu em. Gần mười năm mà tôi vẫn còn giữ lá thư nầy. Để tôi đọc cho quí vị nghe:
- “Gửi bà H. (là tên tôi). Bà còn nhớ, lần vượt biển ở Cà Mau, bị bể và bà được tôi cho trọ qua đêm, hôm sau đưa ra bến xe, về thành phố Hồ Chí Minh. Tôi biết bà thắc mắc. Tôi là ai? Tại sao lại ở nơi vắng vẻ? Tôi sinh sống bằng cách nào?
Tôi cho bà rõ. Tôi là công an, có nhiệm vụ ở đó để đón lỏng những người vượt biên bị bể chạy thoát được. Công an chúng tôi làm nhà cách nhau một vài cây số, dọc bờ biển, nơi thường có bến bãi vượt biên, có thuyền con đón ra thuyền lớn. Như vậy, khi công an đến bắt vượt biên, người nào chạy thoát cũng chỉ quanh quẩn đâu đấy, thấy đèn là tìm đến, thế là nộp mạng cho chúng tôi. Tôi bảo rằng có vợ ở chung nhưng thật ra, vợ con tôi đều ở ngoài Bắc, tôi vào đây công tác đã được bốn năm, khi nào ổn định sẽ đưa gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh, vì chẳng ai có thể ở nơi hoang vắng nầy.
Mỗi công an chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các tiện nghi, nước nôi, lương thực, giường chiếu để đón những người vượt biên tìm đến nhờ cứu giúp. Tôi cho ăn uống, ngủ lại, sáng hôm sau, cho họ xuống thuyền, nói là chở ra bến xe để họ về nhà, nhưng kỳ thực, thuyền đi được nửa đường là bị công an chận bắt. Tôi cũng bị bắt để không ai nghi ngờ.
Thông thường, nếu nhiều người tìm đến thì tôi bảo họ, có gì đem theo nên kê rõ, nhất là tiền bạc, quí kim, để tránh chuyện lấy cắp của nhau. Nếu chỉ một người thì tôi chờ lúc người đó đi tắm sẽ lục xách tay, kiểm tra những gì đem theo. Tôi còn rình nhìn lúc họ đi tắm, cởi đồ ra, sẽ thấy những gì họ lận theo người?

Tôi không bao giờ lấy của ai bất cứ gì, nên khi giải giao họ (đưa lên thuyền để bị công an chận bắt), công an chấp pháp lấy lời khai, sẽ thấy rằng tôi rất trong sạch. Tôi từng được công an tỉnh và trung ương biểu dương nhiều lần về thành tích chận bắt người vượt biên cũng như tinh thần chí công vô tư, không tơ hào đến của cải, vật chất của người bị bắt. Nhưng không ai biết rằng, hễ người nào đem nhiều đô la, vàng ngọc, hột xoàn là tôi thủ tiêu, chôn xác trong rừng. Tôi đào sẵn những cái hố, muốn giết ai, khuya đó, tôi lận súng trong người, bảo họ đi theo tôi để tôi chỉ đường mà đi ra đường chính đón xe về. Vào rừng, tôi bắn chết, đạp xuống hố, hôm sau ra lấp đất lại. Không người nào thoát khỏi tay tôi, vì chung quanh toàn sình lầy, có bỏ chạy một quãng là ngập người dưới sình, tôi chỉ rọi đèn pin, đi tìm và bắn họ rất dễ dàng.

Tôi có nói bao nhiêu người bị tôi thủ tiêu với bà cũng chỉ làm bà kinh hoàng chứ chẳng ích lợi gì. Tất cả của cải cướp được, tôi đưa cho vợ tôi đem về quê chôn giấu. Hột xoàn, đô la, vàng ngọc, châu báu ... Nghĩa là vợ chồng tôi rất giàu. Vợ tôi bảo, có thể bỏ vốn lập những công ty, mua máy móc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc mua nhà cửa ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh cũng không hết của. Dĩ nhiên gia đình tôi ngoài Bắc vẫn sống đạm bạc như bao nhiêu người khác, để tránh bị nghi ngờ.
Tôi dự định sẽ làm thêm vài năm, kiếm một số tiền vàng nữa rồi xin ra khỏi ngành.
Tính ra, tôi ở đó đã được bốn năm, cho đến cái đêm bà tìm đến nạp mạng cho tôi.
Như mọi khi, lúc bà đi tắm, tôi rình xem bà cởi đồ (để biết của cải lận theo người) rồi lên kiểm tra xách tay của bà. Tôi thấy trong xách có nhiều vàng và đô la. Như vậy, số phận của bà đã được tôi quyết định. Bà sẽ bị tôi thủ tiêu. Trong lúc lục xét xách tay tôi thấy có một quyển kinh, khổ lớn hơn những quyển kinh khác, mà những người vượt biên khác thường đem theo. Quyển kinh lớn đó khiến tôi tò mò. Theo thông lệ, tất cả kinh Phật của những người vượt biên, tôi giữ lại, khi nào lên tỉnh, tôi tặng cho người bạn đang trụ trì một ngôi chùa lớn, gần chợ. Anh ta là công an, đi tu là công tác, vẫn lãnh lương công an. Tôi tặng các quyển kinh Phật cho chùa để ai đến lễ chùa mà “thỉnh” những kinh đó thì biết ngay, người đó sẽ vượt biên và chúng tôi theo dõi. Vì tò mò và vì nghiệp vụ, tôi mở quyển kinh của bà ra, để sát ngọn đèn cho dễ đọc. Tôi đọc một cách tình cờ, một câu kinh nằm ngay giữa trang kinh. Chỉ một câu thôi. Câu duy nhất đó khiến tôi lạnh toát người vì kinh sợ. Tôi sợ đến choáng váng, muốn té xỉu, đến độ ngồi chết lặng một lúc thật lâu. Tối đó, tôi không ngủ được .

Hiện nay tôi đã ra khỏi ngành công an. Tôi đã đi tu ở một vùng núi miền Tây Nguyên, rất hẻo lánh, xa hẳn phố phường, làng xóm. Ngôi chùa nhỏ được cất bên góc núi. Rất xa, dưới chân núi, cách nơi tôi ở, thấp thoáng những nhà sàn của những người thuộc sắc tộc thiểu số. Mỗi buổi sáng, tôi lạy Phật, tụng kinh, rồi lên đồi cuốc đất, trồng khoai sắn, rau quả. Buổi tối tôi lại tụng kinh và suy ngẫm lời Phật dạy. Tôi bảo với vợ tôi là tôi làm nhiệm vụ trên giao, không nên gặp nhau nhiều, thỉnh thoảng lên tiếp tế lương thực mà thôi. Của cải mà tôi kiếm được (vợ tôi đang giữ), tôi dặn, nên trích ra một phần, khi nào có thiên tai bão lụt thì đem cứu giúp người hoạn nạn, giúp bà con, bạn bè khi họ cần, giúp các người già lão, bịnh tật, không nơi nương tựa, giúp các trại mồ côi, các trại cùi hủi ...
Tôi viết để bà rõ, nay tôi đã chọn con đường khác. Tôi chỉ muốn biến mất trên thế gian, nhưng còn các con tôi? Chúng là nguồn sống của tôi. Tôi lo sợ cho chúng ...
Nếu bà là một Phật tử, xin bà đến chùa, cùng góp lời cầu xin Phật Tổ cho tôi sớm tìm được con đường giải thoát.
Chúc bà sức khỏe.”.
Chị đàn bà giơ lá thư lên và nói:
- “Thư chỉ viết thế thôi”.
Chúng tôi hỏi:
- “Chị có nhớ mình mang theo quyển kinh Phật tên gì không?”.
- “Đúng ra, lúc nào tôi cũng để sẵn quyển kinh “Quán Thế Âm Bồ Tát” trên bàn thờ, hễ hô “đi!” là tôi chỉ việc bỏ vô xách tay và lên đường. Hôm đó, cô em dâu tôi đây, lại lấy quyển kinh đó trước, tôi vội quá, mở tủ kinh Phật của ba tôi để gần đó, vơ đại một quyển, nghĩ rằng “Phật nào cũng là Phật, vị nào cũng phù hộ, độ trì cho chúng sinh tai qua nạn khỏi”. Ba tôi, khi còn sinh thời, tu tại gia, nghiên cứu kinh Phật. Ngoài chữ Việt, ông cụ còn biết chữ Hán, chữ Nôm nên thỉnh rất nhiều kinh về nghiên cứu. Thế nên, đến bây giờ tôi cũng không biết mình đã mang theo quyển kinh nào khi vượt biên. Điều tôi tin chắc rằng. Chính quyển kinh đó đã cứu mạng tôi và câu kinh trong đó, như một lời phán của Đức Phật hoặc đấng Hộ Pháp, bảo thẳng với kẻ ác hãy ngừng tay lại. Lời phán đó phải có uy lực mạnh mẽ đến nỗi một kẻ giết người phải khiếp đảm”.
Trong bọn chúng tôi, chẳng ai là đệ tử nhà Phật mặc dầu, thỉnh thoảng có đi chùa lạy Phật, tụng kinh trong những ngày lễ, tết. Chúng tôi hỏi nhau rồi phán đoán đủ thứ. Câu “buông đao thành Phật” quá tầm thường, chẳng làm ai động tâm. Muốn biết bí mật của câu kinh đó, chỉ còn cách đi hỏi các nhà sư thì họa may.
Vì bị câu chuyện trên ám ảnh, nên trên đường từ Canada về lại miền Đông Bắc nước Mỹ, chúng tôi quyết định, ghé vào một ngôi chùa của sư PT để thăm và hỏi cho ra lẽ. Sư trạc tuổi chúng tôi, là chỗ quen biết nên rất thân tình. Sư PT xuất gia từ lúc mười một tuổi tại chùa Diệu Đế ở Huế. Vượt biên qua Mỹ, sư học và tốt nghiệp tiến sĩ Phật học. Tuy còn trẻ, nhưng sư PT thông hiểu Phật pháp và có một cuộc sống rất đạo hạnh.
Trưa hôm đó, chúng tôi được sư khoản đãi cơm chay. Trong lúc thọ trai, chúng tôi kể lại câu chuyện trên cho sư nghe và hỏi sư có biết câu kinh nào đã khiến một người vô thần phải buông đao giết người và đi tu không? Nhà sư suy nghĩ một lúc và nói:
- “Nếu lý luận theo Phật pháp thuần túy ở đây thì không thích hợp với một người cộng sản. Họ đã được dạy căm thù và được huấn luyện cách giết người, nên dù có cả một bầy quỉ dữ từ địa ngục chui lên, hay hàng nghìn Đức Phật hiện ra thuyết pháp, chưa chắc ông công an nầy phải sợ mà ngưng tay. Ông ta chẳng thù hận gì những người vượt biên, nhưng giết họ để cướp của, ông ta làm thản nhiên như người đồ tể giết heo, giết bò. Mục đích là để có nhiều tiền của cho con cái được sung sướng. Cán bộ cộng sản thường bảo nhau:
- “Hi sinh đời bố, cũng cố đời con” là thế. Kinh Phật chỉ nói về cái nghiệp và cái quả. Ai làm nấy chịu. Nhưng người Việt mình lại có câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Cha mẹ thương con cháu thì ăn ở nhân đức, để phước cho chúng. Con cháu, nhớ ơn đó mà thờ phụng các vị một cách thành tâm. Đó là “Đạo Thờ Ông Bà”. Ông công an cộng sản nầy thì làm ngược lại, nên ông ta bị ám ảnh bởi việc ác của mình, “quả báo nhãn tiền”, con cháu sẽ lãnh đủ. Có thể, con cái ông ta bị đâm chém hay bị giết chóc sao đó, khiến ông ta nghĩ rằng “Mình giết người ta thì con mình bị người ta giết” nên ông ta sợ. “Nhưng Phật đâu có dạy về chuyện quả báo cho đời con cháu mà ông ta, khi đọc một câu nào đó trong kinh Phật lại sợ hãi đến nỗi phải bỏ nghề, đi tu?”.
“Đa số những người vượt biên đều đem theo người là kinh A Di Đà hoặc Bạch Y Thần Chú, coi như có Thần Phật hộ trì bên cạnh. Khi gặp chuyện hiểm nguy thì niệm “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát” chỉ đọc tới đọc lui câu đó thôi, coi như tiếng kêu cứu, các vị Bồ Tát sẽ ra tay tế độ, giúp cho tai qua nạn khỏi. Những quyển kinh mà ông ta tịch thu, không nhất thiết đều giống nhau. Có thể người đàn bà kia đã mang một quyển kinh khác. Hơn nữa ở một nơi hoàn toàn vắng vẻ, không có gì giải trí ngoài việc đọc các quyển kinh Phật, quả thật, ông ta đang bước về hướng của giải thoát. Chính cái ý niệm muốn giải thoát khiến ông ta bỏ nghề, và câu kinh Phật kia chỉ như vật xúc tác, như cái nút điện mà ông ta đang mò mẫm trong bóng tối, đã bật sáng, cho ông ta thấy được con đường phải đi. Mỗi người là Phật chưa thành là vậy. Con người dù độc ác, mê muội đến đâu, cũng còn le lói một chút ánh sáng của lương tri. Đúng ra, phải gọi ông ta là “ông đạo” chứ không phải là “ông sư”. Vì ngoài việc nghiên cứu, tụng niệm kinh Phật, sư, sãi phải có thầy giảng giải, hướng dẫn trên đường tu tập. “Giả dụ như ông công an đó đến xin thọ giáo với thầy. Thầy sẽ giảng những gì cho một người vô thần như ông ta hiểu về Phật pháp?”.
Nhà sư cười:
- “Thoát được “tham, sân, si” là tự giải thoát rồi.
Chính tôi phải học ông ta, làm cách nào đã bỏ được chữ “tham”? Chữ “tham” đơn giản, thường tình thôi, không cần phải triết lý xa vời. Tiền của vô tay dồi dào, dễ dàng như vậy mà lại bỏ hết, mấy ai làm được?
Còn hai chữ “sân, si”, bản thân tôi như đang nằm trong cái rọ, không biết bao giờ mới thoát ra! Ông ta là thầy tôi mới đúng”.
- “Thầy có thể đoán được câu kinh nào nằm trong quyển kinh nào, đã khiến ông ta phải sợ mà đi tu không?”.
Nhà sư lắc đầu:
- “Chỉ riêng ông ta biết được mà thôi. Có thể chỉ một câu tình cờ, bình thường nào đó ông ta đọc được nhưng giải thích đúng những băn khoăn, thắc mắc, sợ hãi bấy lâu của ông ta, nó đánh động lương tâm ông ta, hướng dẫn ông ta tìm con đường giải thoát. Xưa kia, lục tổ Huệ năng chỉ nghe một câu trong kinh Kim Cang liền ngộ được đạo”.
- “Nhưng nhất định phải có một câu kinh nào đó. Thầy thử nhớ xem sao?”.
Nhà sư lắc đầu:
- “Bị hỏi thình lình, tôi không nhớ ra ngay. Hay là thế nầy. Bây giờ mời quí vị ra vườn sau chùa uống trà, ngắm hoa. Tôi xin được ít phút tập trung tư tưởng, họa may sẽ nhớ được điều gì chăng? Mục đích không phải tìm hiểu mà chỉ như trò chuyện cho vui vậy thôi. Tôi không đủ trình độ để giải thích câu chuyện kỳ lạ nầy”.

Nhà sư lên chánh điện. Chúng tôi ra sau chùa, vừa chuyện trò vừa lang thang ngắm hoa cảnh.
Có tiếng chuông ngân vang từ chánh điện, rồi tất cả yên lặng. Có lẽ nhà sư đang lễ Phật và trầm tư ...
Độ một giờ sau, nhà sư xuất hiện ở ngưỡng cửa với nụ cười. Sư tiến đến, ngồi xuống với chúng tôi ở một bàn nhỏ dưới gốc cây. Chúng tôi vội hỏi:
- “Tìm được câu kinh nào chưa thầy?”.
Sư lắc đầu và cười:
- “Kinh Phật chẳng có câu nào hăm dọa người ta, bắt người ta phải đi tu cả! Để nói về cái nghiệp báo thì kinh Thủy Sám Pháp có nói nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ chính xác được vài câu ở các quyển kinh khác, chẳng hạn, trong kinh Đề Bà Đạt Ma (Devadata-suta) có câu:
- “Những việc ác mà ngươi đã phạm, không phải là tại cha ngươi, không phải tại mẹ ngươi, không phải tại thầy, chủ ngươi. Chính một mình ngươi đã phạm, và một mình ngươi phải chịu quả báo”.
Trong kinh Pháp Cú (Damma-pada) cũng có câu:
- “Dẫu rằng ngươi chạy lên trời cao, ẩn dưới biển sâu, trốn trong núi thẳm, không có nơi nào mà ngươi tránh khỏi cái quả ghê gớm về tội ác của ngươi”...
Nói xong nhà sư lộ vẻ bối rối.)
- “Rất tiếc, vì sự vô minh của tôi mà câu kinh đó vẫn còn là một bí ẩn. Xin lỗi đã làm quí vị thất vọng. Theo tôi nghĩ, sự thống hối của ông ta quá thành khẩn, đã cảm động đến đức Phật, và Ngài đã ra tay tế độ, đã khai ngộ cho ông ta.
Nhưng phải là người thật thành khẩn thì đức Phật mới làm được việc đó”.
Phạm Thành Châu












No comments:

Post a Comment