Thursday, September 8, 2011

Đảo Lý Sơn

Phải chăng sự sống sót của hàng cổ thụ “tu sĩ” này là một điều kỳ diệu. Phải chăng vì đảo xa đất liền, chùa lại sâu trong hang thì mới sáng rõ giá trị của những cuộc đời chân tu. Ngay trên mặt biển trước chùa Hang có những phiến đá phẳng như là chỗ để thiền định hướng ra đại dương tâm linh.
Ngày nay, một bức tượng Quán Thế Âm mới được dựng lên cũng hướng về biển khổ mà cứu độ chúng sinh. Trong bối cảnh hiểm họa Trung Quốc này, trong lòng kính ngưỡng của lương dân, tượng Phật Bà nhất thiết phải là Quan Thế Âm Ðông Hải.
Chùa không thấy sư, không thấy ni, chỉ thấy từ trong góc tối hai cụ bà mặt áo dài lam ở làm công quả, và manh chiếu cũ của hai cụ, một khoảng nhỏ giữ hơi ấm con người cũng trở nên giá băng như những bức tượng Phật u huyền. Toàn cảnh chùa chùa Hang vắng lặng đến nao lòng.
Một bà cụ làm công quả giữ chùa nói: “Trước chùa cũng có thầy về ở, nhưng chắc trụ không nổi nên giờ không có ai. Bỏ Phật, bỏ chùa lạnh lẽo tội quá, mấy người đây nhớ kinh đến đâu tụng đến đó, ai cúng gì ăn nấy. Gặp bữa đói thì về xóm ăn nhờ con cháu rồi lại trở ra chùa. Bỏ Phật tội quá!”
Tiếng nước ngầm thấm qua đá núi Thới Lới rỏ tí tách như tiếng thời gian của một thế giới khác.
Ngày xưa, hành giả nào, từ cố xứ nào mà mấy trăm năm trước đã chọn hang sâu hoang vắng này để thiền định! Có thể người dựng chùa không phải là trí thức, nhưng chỉ riêng việc là người đi trước, người mở đường thì tâm lượng từ bi của họ cũng cao vợi.
Chùa Hang-Lý Sơn mang hình ảnh hai cánh tay lớn mở hết về biển Ðông. Ðến tận ngày nay, hàng ngày, bầu trời vẫn là một dòng chảy huyền ảo vắt ngang cõi chùa Hang.
Vỏ ốc từ Hoàng Sa
Ðoàn thiện nguyện đến trao quà cho gia đình ngư dân ông PNT, người có tàu bị bão số 1 đánh chìm mấy tháng trước. Nhìn căn nhà xây tươm tất và vật dụng ra vẻ khá giả của gia đình ngư dân, mấy ai biết rằng tài sản này của họ đang thế chấp ở ngân hàng để vay tiền đóng tàu mới. Nếu kịp thì con tàu mới của họ sẽ ra khơi vào cuối năm.
Bà chủ nhà cho biết: “Có phà (dân Lý Sơn gọi tàu là phà) mới nhưng ruột gan sợ khiếp, nợ đầm nợ đìa, có bề gì không biết sống ra sao.” Phần quà mà gia đình ngư dân này được tặng là một cái máy vô tuyến để trang bị trên tàu mới, món quà tuy trị giá gần ba chục triệu nhưng cũng chỉ là con số nhỏ so với số tiền tỉ mà gia đình phải vay mượn để tiếp tục ra biển tìm nguồn sống.
Lúc tiễn khách, bà chủ nhà kéo cửa tủ ly lấy ra mấy cái vỏ ốc. Bà nói: “Thiệt tình là đồ trong nhà cầm thế hết rồi, có mấy cái vỏ ốc lấy ở Hoàng Sa này gởi cho mấy cô chú để cảm ơn.”
Có một thời nhiều gia đình người Việt thích bày những loại vỏ ốc quí, các nhánh san hô trong nhà để trang trí. Cầm trên tay mấy cái vỏ ốc, chúng tôi không biết đó là loại ốc gì, nhưng chúng tôi biết hiểu giá trị đau đớn của mấy cái vỏ ốc lấy từ đáy biển Hoàng Sa. Lúc đoàn chúng tôi rời nhà người ngư dân được một đoạn, cô bé gái khoảng mười tuổi từ trong nhà băng băng chạy theo. Trên tay cô cầm theo một cái vỏ ốc. Cô bé bẽn lẽn nói: “Cái này của cha con cho con. Con cho thêm cô chú.”
Nếu nói rằng những vỏ ốc của ngư dân Lý Sơn tặng cho người từ đất liền ra thăm có mang một thông điệp là nói khiên cưỡng. Nhưng không thể không xúc động khi một cô bé cho đi cái vỏ ốc mà thường ngày cô giữ để chơi, nhưng từ nay cho đến tương lai, cha cô sẽ không thể mang về cho cô một vỏ ốc nào khác từ vùng biển quê hương đã mất vào tay Trung Quốc.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A0/A9/1E/9.jpgNhững khối đá lấn chèn lấn biển
Chúng tôi ghé một tiệm ăn xập xệ gần cầu tàu, nơi có bán đủ thứ món ăn điểm tâm của cả ba miền nhưng không món gì ra món gì. Một người bạn trong đoàn nói đùa “Phải vậy mới biết thế nào là phở, cháo lòng, bún bò Lý Sơn chứ.”
Rồi anh kể. Anh có người bà con, chưa từng vô đất liền ở quá hai ngày. Cả đời ông đi bạn, làm mướn, có dư đồng nào thì mua đá xẻ về bỏ đó, ai hỏi, ông nói, để dành khi con lớn ra riêng cho nó lấn biển xây nhà mà ở.
Nếu tính giá một tô bún bò ở đảo là mười ngàn đồng, thì mười tô bún bò sẽ đổi được một khối đá hộc và chỉ cần có vài khối đá là có thể lấn được một chút biển để cất một cái chòi cho một gia đình mới. Rồi từ đó những người vợ trẻ, chiều chiều ngồi ôm con nhìn ra biển chờ chồng đi bạn về, nếu chồng họ không bị mất xác hoặc bị thương tật ngoài biển, được may mắn sống đến tuổi già thì bên hông hoặc phía sau nhà họ sẽ có những khối đá khác lấn biển cho con cái họ có mái ấm tránh mưa tránh gió.
Ðảo càng ngày càng hao hụt trước giông bão và các hiểm họa khác và chỉ những người dân nghèo của đảo mới không còn nơi nào khác để tìm hy vọng cho tương lai gia đình mình ngoài những khối đá cố chèn lấn biển.
(Còn tiếp)
Trần Tiến Dũng/Người Việt
http://www.giacngo.vn/UserImages/1/2009/06/18/bai-bien.jpgHuyện Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré, là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó. Nói về huyện đảo này, nhân dân địa phương có ca dao thủy trình:
"Trực nhìn ngó thấy Bàn Than; Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ "

Địa lý:

Diện tích của huyện là khoảng 9,97 km² nhưng dân số lại lên đến con số hơn 20.000 người. Gồm 2 đảo: đảo Lớn và đảo Bé. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình (đảo Bé). Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa đã tắt từ thời tiền sử.

Kinh tế:

Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng tỏi. Tuy nhiên, việc khai thác cát ven bờ biển để trồng tỏi và hành đã gây ra những thiệt hại không nhỏ do hiện tượng xâm thực.
Câu chuyện
Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn tổ chức "đội Hoàng Sa" lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quí hiếm mang về dâng nộp. [1]

Du lịch:

Tỉnh Quảng Ngãi đã khai trương tuyến du lịch "biển đảo Lý Sơn" vào ngày 28 tháng 4 năm 2007. Du khách từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, sau đó ra đảo bằng tàu cao tốc và thuê xe máy để đến các di tích trên đảo. Khi lưu trú trên đảo, du khách sẽ được thưởng thức các món hải sản và các đặc sản gỏi tỏi, gỏi cá cơm và đồn đột.
Trên đảo có hai di tích quốc gia: đình làng An Hải (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa bên trên) và Chùa Hang. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy trên đảo, như suối Chình, xóm Ốc và đặc biệt là các dấu vết của văn hóa Chăm Pa. Và 24 chùa, am.
Ngày 13 tháng 07 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận Tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn gồm các điểm du lịch tại huyện Lý Sơn theo các tuyến: Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Đục, Miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự và một số nhà cổ tại huyện Lý Sơn.[2]
Huyện đảo được mệnh danh là "Vương quốc tỏi" vì đặc sản gỏi tỏi.
http://huyendaolyson.com/vn/du-lich-dao-ly-son/images/dac-san-oc.jpg
Lý Sơn - đảo tiền tiêu
(ANTĐ) - Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ ngót 30km, với diện tích gần 10km2 và là nơi định cư của hơn 20.000 dân. Giữa gió ngàn Biển Đông, nên dân Lý Sơn chủ yếu sinh sống bằng nghề biển và một phần bằng nghề trồng tỏi, trồng hành. Hành, tỏi Lý Sơn nổi tiếng thế giới bởi hương vị độc đáo của tinh dầu và tác dụng phòng chống nhiều loại bệnh tật như kết luận của các nhà khoa học Pháp và Trung Quốc.
Một góc đảo Lý Sơn
Quy trình và kinh nghiệm trồng tỏi Lý Sơn, được truyền từ đời này sang đời khác và hoàn toàn khác biệt với kinh nghiệm mọi nơi trên trái đất. Lý Sơn là một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông, là nơi rất gần với Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian gần đây, bè bạn thế giới và nhân dân cả nước biết đến Lý Sơn như là nơi còn lưu lại nhiều nhất, phong phú nhất, xác thực nhất những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những bằng chứng vật thể và phi vật thể còn lưu lại hàng trăm năm qua tại Lý Sơn đã chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc.
Hoàng Sa, Trường Sa đã được cha ông canh giữ, bảo vệ và truyền lại cho chúng ta. Những cống hiến hy sinh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo đó gắn liền với lớp lớp các thế hệ ngư dân đảo Lý Sơn. Để đến hôm nay, truyền thống đó đã đi vào đời sống tâm linh, trở thành phong tục tập quán, đọng lại trong thơ ca và là niềm tự hào của dân tộc, của mỗi dòng họ, của toàn dân đảo Lý Sơn.
http://www.vinavigation.net/images/hstsbdhuy/Hinh05.PNGGiữa tháng 3-2009, dòng họ Đặng của đảo Lý Sơn, một dòng họ chuyên sống bằng nghề biển đã cống hiến cho Nhà nước Tờ lệnh điều động ngư dân Lý Sơn, xung lính đội Bắc Hải để đi ra Trường Sa, Hoàng Sa, canh giữ biển trời Tổ quốc. Đây là một Tờ lệnh, được dòng họ Đặng lưu giữ 175 năm, qua 6 đời, tại nhà thờ họ tộc. Kết quả giám định, dịch thuật và nghiên cứu cho thấy Tờ lệnh có từ năm 1834 đời Minh Mạng thứ 15. Nội dung Tờ lệnh được lược dịch: “Quan Bố án, Quảng Ngãi cấp chiếu thừa lệnh của Bộ binh, sắc chỉ của Bộ, dự hành phát 3 chiếc thuyền, tu bổ vững chắc, phái viên cùng thủy quân… đi nhanh đến xứ Hoàng Sa.
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn
Tuân lệnh này quyết định 3 thuyền cùng các vật dụng của thuyền ra đi trong năm nay (1834). Phái cho Võ Văn Hùng tuyển chọn người am hiểu, thành thục đường biển…; ông Đặng Văn Siểu kham việc tài công. Đoàn binh cùng Võ Văn Hùng đồng đến Hoàng Sa làm việc công”… Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, thừa lệnh Vua đã quyết định điều động 24 ngư dân đảo Lý Sơn, có kinh nghiệm đi biển, chuẩn bị 3 thuyền chắc chắn với đầy đủ lương thực, nhằm mùa gió lặng vào tháng 2, tháng 3, để đi ra Hoàng Sa, Trường Sa canh gác biển trời Tổ quốc. Một trong những người lính ra đi năm đó thuộc dòng họ Đặng, được giao nhiệm vị làm tài công.
Vì vậy mà con cháu họ Đặng đã coi Tờ lệnh như là báu vật thiêng liêng và giữ gìn qua nhiều thế hệ. Giờ đây, Tờ lệnh đã trở thành tài sản quốc gia, được Nhà nước lưu giữ, sử dụng như là một bằng chứng lịch sử hiển nhiên khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa hàng trăm năm trước.
http://img.tamtay.vn/files/photo2/2009/2/2/11/4015884145/498674e2_dsc_0070_resize.jpgSự kiện ngư dân đảo Lý Sơn xung lính trong hải đội Bắc Hải để tuần tra canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa được mô tả đậm nét trong rất nhiều văn kiện lịch sử: Trong một tài liệu viết năm 1768, Đô đốc người Pháp tên là D’Estaing, người nhận nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch tấn công nước ta lúc đó đã viết rằng: “Việc đi lại giữa các quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và đất liền còn khó khăn hơn việc đi lại giữa biển khơi.
Thế mà các thuyền nhỏ của xứ này thường qua lại vùng quần đảo”. Trong Phủ biên Tạp lục (1776) Lê Quý Đôn ghi rõ: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh (đảo Lý Sơn) sung vào, cắt phiên, mỗi năm, cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày, 3 đêm thì đến đảo”… Tất cả các nguồn tư liệu đều khẳng định quê của lính đảo Hoàng Sa năm ấy phần lớn thuộc xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Minh chứng cho điều này, ngày nay dân đảo Lý Sơn còn duy trì một lễ hội truyền thống vào tháng 3 hàng năm gọi là “Lễ khao lề thế lính” nhằm tôn vinh sự cống hiến hy sinh và cầu chúc cho hương hồn lính đảo Hoàng Sa - Trường Sa bất tử. Theo các tài liệu lịch sử và các nhà nghiên cứu, đây là lễ hội có cội nguồn từ hơn 300 năm trước đây. Hàng năm, dân đảo Lý Sơn tuyển chọn con em mình cho đội Bắc Hải đi Hoàng Sa, Trường Sa. Phần lớn, đây là những cuộc ra đi không có ngày trở lại.
Vì thế, giờ chia tay lên đường làm nghĩa vụ quốc gia cũng là lúc vĩnh biệt người thân. Dân đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính để đưa tiễn con em mình tòng quân, đồng thời cũng là lễ tế những người đã hy sinh. Nơi diễn ra hàng trăm cuộc chia ly xúc động đó chính là Đình An Vĩnh. Theo lệnh vua, trước lúc lên đường ngoài vũ khí, lương thực, phương tiện đi biển, mỗi người lính còn được cấp 2 chiếc chiếu, 7 sợi dây mây, 7 thanh tre và một thẻ bài ghi tên tuổi, quê hương, đơn vị của người chiến sĩ. Phòng khi bất trắc, rủi ro, đồng đội sẽ bó xác người xấu số, kèm theo thẻ bài và thả trôi trên biển.
Hy vọng mong manh sóng gió sẽ đưa được hài cốt người chiến sĩ trôi dạt vào đất liền, tại một miền quê nào đó, để được nhân dân cưu mang, an táng trong lòng đất Mẹ.
Mãi đến bây giờ, trong nỗi niềm của người dân đảo Lý Sơn vẫn còn vang vọng những câu ca bi tráng:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa
Hoàng Sa đi có về không
Lệnh Vua sai phải quyết lòng ra đi
PGS-TS Nguyễn Hòa Bình












Theo sử sách còn lưu giữ, từ năm 1836, triều đình nhà Nguyễn đã lập ra một đội dân binh mang tên Đội Hoàng Sa. Nhiệm vụ của đội là hàng năm dong thuyền ra đo đạc thuỷ trình, sửa cột mốc chủ quyền, thu thuế thuyền bè qua lại và đánh bắt hải sản trên quần đảo Hoàng Sa trong sáu tháng mùa biển lặng. Và ở đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều di tích gắn với hải đội huyền thoại này.

Tục thờ cúng độc đáo
Ông Phạm Thoại Tuyền, một người dân đảo Lý Sơn, là hậu duệ thứ tư của một trong những người lính Đội Hoàng Sa cho biết: “Ghe bầu kềnh càng không chống nổi với sóng lớn, nếu ra khơi có thể bị sóng lớn đánh vỡ tan. Dân binh phải đi bằng ghe câu, tuy nhỏ hơn nhưng lách sóng được. Chèo khoảng ba ngày, ba đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa nếu biển lặng và thuận gió. Sáu tháng trên biển phải đối phó với trăm ngàn nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào. Thế nên trên mỗi thuyền câu đều trang bị sẵn nẹp tre và dây buộc, để phòng nếu có chết giữa biển thì nẹp xác rồi thả xuống nước, hy vọng xác trôi về quê nhà”.

No comments:

Post a Comment